Mình biết đến cuốn sách này vào khoảng 10 năm trước khi được mẹ giới thiệu. Ngày đó chỉ có đọc truyện tranh hoặc truyện cổ tích, chưa bao giờ đọc tiểu thuyết. Mẹ mình hay có thói quen mượn sách từ thư viện như “Cuộc phiêu lưu của Mít đặc” gắn liền với tuổi thơ của mình dù mình còn chưa đọc hết. Hồi đấy mình nghĩ những nơi giống như “Thư viện” nó thật kỳ diệu, có đủ loại sách lạ lạ, cổ cổ mà chỉ có thể tìm thấy ở đây. Như cuốn “Hoàn châu công chúa” được chuyển thể thành phim, “Hồng lâu mộng”, “Thủy hử” hay sách của Quỳnh Dao. Đặc biệt hơn nữa hồi ấy làm thẻ thư viện chỉ cần 1 phong bì và 2 cái tem (thực sự đến giờ mình vẫn thấy khó hiểu với chuyện này ?!?). Ngày đó mình thích “Thư viện” lắm nhưng trẻ con không được vào nên chỉ còn mỗi cách mẹ mượn sách về nhà cho đọc. Và đến hiện tại mình cũng chưa bao giờ được đặt chân đến nơi gọi là “Thư viện” ngày đó vì giờ họ đã đóng cửa. Lan man đủ rồi, quay lại vấn đề chính nhé.
Vì đọc cuốn này cũng khá lâu rồi nên có lẽ mình sẽ không review được cụ thể và có khả năng nhầm lẫn ở đâu đó, nếu vậy hãy thông cảm cho mình nhé ^^.
“Túp lều của bác Tom” nói về cuộc đời bác Tom – một người nô lệ da đen tốt bụng bị tách khỏi gia đình và bị bán đi khắp nơi, chịu nhiều khổ cực, bị đối xử, đánh đập tàn bạo đến chết. Bác Tom là một ví dụ điển hình cho hàng trăm, hàng triệu người da đen khác bị khinh thường, rẻ rúng thời kì đó. Cuốn sách khai thác được nhiều khía cạnh trong cuộc sống nô lệ của những người da đen, những điều họ phải gánh chịu từ xã hội phân biệt chủng tộc thời bấy giờ.
Đối với mình, bắt đầu đọc một cuốn sách cũng giống như làm quen với một người bạn mới vậy. Mới tiếp xúc dường như không có chút khái niệm gì, dần rồi sẽ quen hơn, hiểu hơn và có cảm xúc dành cho người đó. Trong quá trình đọc cuốn này, mình dần có thiện cảm với bác Tom – một con người tốt bụng, chất phác, hiền lành, lương thiện, hết mình để giúp đỡ người khác. Trải qua nhiều thăng trầm, mình chỉ hy vọng bác Tom có thể về với người chủ cũ tốt bụng nhưng cuộc đời quá ác nghiệt, không những không thể quay trở về, bác còn phải chết trong sự đau đớn, tủi nhục. Tuy chỉ là truyện thôi nhưng mà cũng khiến mình cảm thấy đau lòng. Mình biết thời đấy còn rất nhiều người da đen có số phận thảm thương hơn bác Tom nhưng khi biết đến một người hoặc một nhân vật cụ thể thì chỉ có thể đau lòng cho một người đó thôi. Sau khi đọc xong cuốn sách này, có một nỗi buồn thật khó tả cứ bám lấy mình như kiểu day dứt. Cảm giác như mình trơ mắt chứng kiến mọi việc và chẳng thể giúp được gì. Biết điều này thật ngớ ngẩn nhưng mà mình cứ không ngừng có cái suy nghĩ đấy =))))).
“Túp lều của bác Tom” chính là cuốn sách khiến mình bị ám ảnh trong một thời gian dài. Nói “ám ảnh” có vẻ hơi nghiêm trọng quá nhưng câu chuyện về bác Tom cứ loanh quanh, lẩn quẩn ở tâm trí mình tận 2-3 tháng và cho đến bây giờ, mình vẫn chưa hề quên cảm giác đó. Cảm giác khi bạn đắm chìm vào từng con chữ, từng tình tiết, từng trang sách và nhập tâm hơi quá đà vào nội dung của cuốn sách. Giống như bạn ở trong sách, trong hoàn cảnh đó và chứng kiến mọi thứ xảy ra là có thật vậy. Đây là một câu chuyện đầy bi thương và thấm đẫm nỗi buồn. Nó bi lụy tới mức gây “ám ảnh” đến một đứa luôn nghĩ rằng cuộc sống màu hồng như mình ngày đó. Có đọc mới biết được hóa ra trên đời còn nhiều chuyện đau lòng đến thế…
Về phần bìa sách có lẽ không cần nhận xét, ngày đó mình không quá quan trọng hóa hình thức như bây giờ. Bây giờ cái gì cũng phải đẹp và ưa nhìn mới chịu được, không thì hơi bực mình chút =))))
Đánh giá: 9/10

Đối với mình, bắt đầu đọc một cuốn sách cũng giống như làm quen với một người bạn mới vậy. Mới tiếp xúc dường như không có chút khái niệm gì, dần rồi sẽ quen hơn, hiểu hơn và có cảm xúc dành cho người đó. Trong quá trình đọc cuốn này, mình dần có thiện cảm với bác Tom – một con người tốt bụng, chất phác, hiền lành, lương thiện, hết mình để giúp đỡ người khác. Trải qua nhiều thăng trầm, mình chỉ hy vọng bác Tom có thể về với người chủ cũ tốt bụng nhưng cuộc đời quá ác nghiệt, không những không thể quay trở về, bác còn phải chết trong sự đau đớn, tủi nhục. Tuy chỉ là truyện thôi nhưng mà cũng khiến mình cảm thấy đau lòng. Mình biết thời đấy còn rất nhiều người da đen có số phận thảm thương hơn bác Tom nhưng khi biết đến một người hoặc một nhân vật cụ thể thì chỉ có thể đau lòng cho một người đó thôi. Sau khi đọc xong cuốn sách này, có một nỗi buồn thật khó tả cứ bám lấy mình như kiểu day dứt. Cảm giác như mình trơ mắt chứng kiến mọi việc và chẳng thể giúp được gì. Biết điều này thật ngớ ngẩn nhưng mà mình cứ không ngừng có cái suy nghĩ đấy =))))).
ThíchThích