\BOOK REVIEW/: BIỂU TƯỢNG THẤT TRUYỀN (THE LOST SYMBOL) – DAN BROWN

Mỗi năm mình đều tự nhủ sẽ cố gắng đọc 1 tác phẩm của Dan Brown, và năm nay là cuốn “Biểu tượng thất truyền”. Mục đích của việc này là vì mình sợ nếu đọc liên tục thì chẳng mấy mà đọc hết các tác phẩm của ông. Như vậy thì mình không biết trông chờ vào tác phẩm nào tiếp theo nữa T_T

“Biểu tượng thất truyền” có cùng mô típ với các cuốn khác của Dan Brown, và lại là sự xuất hiện của nhân vật quen thuộc với chúng ta – Robert Langdon. Lần này, ông bị cuốn vào một cuộc hành trình mới, đi tìm nơi cất giữ những bí ẩn cổ xưa. Dù là truyền thuyết, xong có người vẫn tin rằng có một nơi tại Washington, D.C đang chôn giấu kho tàng tri thức khổng lồ mà người xưa để lại, thứ mà nếu tìm được sẽ đem đến sức mạnh khủng khiếp và làm thay đổi cả thế giới. Đặc biệt, các thành viên bậc cao nhất trong Hội Tam Điểm biết rất rõ về nơi này nhưng luôn cố che giấu và giữ nó trong bí mật. Một kẻ điên cuồng muốn tìm ra kho báu tri thức này đã vạch kế hoạch lừa Robert Langdon từ Cambridge đến Washington để giúp hắn giải mã các biểu tượng, tìm kim tự tháp Tam Điểm và bản đồ chỉ dẫn đến nơi cất giữ bí ẩn cổ xưa. Tuy nhiên không chỉ đơn giản có thế, người bạn thân thiết với Robert Langdon – Peter Solomon – Tổng thư ký Viện Smithsonian đang bị kẻ điên kia bắt giữ làm con tin, và Langdon buộc phải cho hắn ta câu trả lời trong vỏn vẹn 1 ngày. Mọi việc càng trở nên rắc rối hơn khi CIA vào cuộc và Robert Langdon bị họ cản trở, truy đuổi bởi việc này có hệ lụy tới an ninh quốc gia. Robert Langdon cùng Katherine Solomon (em gái của Peter Solomon) và sự giúp đỡ của một vài người khác là thành viên của Hội Tam Điểm đã dần dần giải mã các ký tự, biểu tượng, địa điểm chỉ dẫn và những bí mật cũng từ từ được hé mở.

Nếu so với “Mật mã Da Vinci” hay “Điểm dối lừa” (có thể xem bài review của mình tại đây) của Dan Brown đã từng đọc, mình cảm thấy “Biểu tượng thất truyền” khá dễ đoán. Khi đọc 2 cuốn kia, mình thực sự không đoán nổi ai là kẻ xấu, ai là người tốt, luôn nghĩ rằng người tốt là kẻ xấu và kẻ xấu là người tốt vậy đó. Nghĩa là mình có cảm giác bị tác giả lừa và đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nhưng với “Biểu tượng thất truyền”, mặc dù Dan Brown có dùng chiêu thức cũ – “dắt mũi” độc giả nhưng mình có thể đoán ra kẻ đứng đằng sau mọi chuyện. Khi đến phần kết, thân phận thật của kẻ đó bại lộ cũng không khiến mình quá ngạc nhiên vì mình cũng đã nghi ngờ trước đó rồi. Đó là điều làm giảm đi vài phần hấp dẫn của tác phẩm đối với mình.

Nhưng Dan Brown sẽ chẳng bao giờ làm bạn thất vọng cả đâu vì “Biểu tượng thất truyền” hấp dẫn ở việc giải mã các biểu tượng và ký tự. Những hình vẽ, vật thể, biểu tượng, chữ cái,… ở tác phẩm này được mã hóa rất đặc biệt và cầu kỳ. Chúng được mã hóa rất nhiều tầng, phải dùng nhiều cách thức khác nhau để tìm ra lời giải. Như “Mật mã Da Vinci” chỉ phải giải mã thông qua hình vẽ, con số trên các bức tranh, địa điểm, dùng tới ký tự hay chữ La Mã cổ đại, thông tin trong một vài cuốn sách cổ,… thì “Biểu tượng thất truyền” phức tạp hơn gấp bội khi cần áp dụng cả các công thức vật lý, hóa học, ma phương toán học, kiến thức địa lý, kiến trúc, khoa học, vũ trụ, tâm lý học, thuật giả kim, phương pháp mã hóa Hy Lạp cổ, Kinh thánh,…Rất rất nhiều tri thức về lịch sử, tôn giáo, nghệ thuật, triết học,… được trải ra trong quá trình tìm kiếm lời giải của Robert Langdon. Bạn sẽ được tiếp cận chúng một cách chi tiết và khá đầy đủ qua sự dẫn dắt khéo léo của Dan Brown. Càng đọc càng biết thêm về các lĩnh vực, bạn sẽ càng cảm thấy sự hiểu biết của mình nhỏ bé thế nào so với những tri thức mang tầm cỡ vĩ mô của nhân loại kia.

Trước khi đọc sách của Dan Brown, mình luôn nghĩ rằng những câu chuyện của ông chỉ là hư cấu. Nhưng khi đọc rồi, tự dưng mình lại có cái cảm giác thật-giả lẫn lộn, không phân biệt nổi đâu là thật đâu là giả, nghi ngờ cả chính suy nghĩ của mình trước đó. Bởi tác giả sử dụng những công trình kiến trúc, địa điểm có thật và kiến thức được ghi chép trong các tài liệu về lịch sử thế giới mà ông đã dày công nghiên cứu. Thành ra mình luôn cảm thấy vừa phấn khích vừa hoang mang, mơ hồ khi trải nghiệm những tác phẩm của Dan Brown. Nhưng có vẻ đó chính là điều đặc biệt mà ông cố ý đem lại cho người đọc cảm nhận và làm nên sự thành công của ông ngày hôm nay.

Một lần nữa, mình rất nể phục Dan Brown vì đã nghĩ ra được những thứ “chẳng giống ai” như thế này. Mỗi cuốn sách của ông đều đem lại rất nhiều tri thức lạ lẫm, mới mẻ, mở mang đầu óc, kiểu như “khai sáng” cho mình vậy. Cảm giác như tầm hiểu biết của mình đã rộng mở hơn và sẵn sàng đón nhận thêm thật nhiều những điều bổ ích và hay ho khác. Nếu không đọc sách của ông thì thực sự không-bao-giờ mình “ngó nghiêng” đến những lĩnh vực như tôn giáo, lịch sử, các kiến thức về Hy Lạp cổ đại, vân vân và mây mây. Tuy mới chỉ tiếp cận qua loa về những thứ đó nhưng biết thêm những điều mới mẻ khiến mình thấy lạc quan, được tiếp thêm động lực và hứng thú để tìm hiểu về những tri thức tầm cỡ hơn.

Thực sự để mà nói hết được cái cảm giác sau khi đọc xong “Biểu tượng thất truyền” thì những câu chữ, từ ngữ thôi chẳng thể đủ. Vẫn nên tự cảm nhận và trải nghiệm thì sẽ tuyệt vời hơn. Một đứa chỉ thích “nhảy múa, hát ca” như mình lại có một ngày gõ Google để tìm hiểu về “ma phương toán học” thì bạn biết cuốn sách này đã tác động và ảnh hưởng thế nào đến mình rồi đấy ^^

Bìa sách là hình ảnh về Tòa nhà Quốc hội Washington, cũng chính là địa điểm được nhắc đến trong cuốn sách. Nhìn chung mình thấy hình ảnh khá ăn khớp với nội dung, tổng thể bìa toát lên được sự huyền bí, cổ xưa đúng với chủ đề.

Mua sách ở đây

Đánh giá: 10/10

Processed with VSCO with hb1 preset
Ảnh: mucmocmeo

Advertisement

6 bình luận về “\BOOK REVIEW/: BIỂU TƯỢNG THẤT TRUYỀN (THE LOST SYMBOL) – DAN BROWN

  1. regina

    “mình có thể đoán ra kẻ đứng đằng sau mọi chuyện. Khi đến phần kết, thân phận thật của kẻ đó bại lộ cũng không khiến mình quá ngạc nhiên vì mình cũng đã nghi ngờ trước đó rồi. Đó là điều làm giảm đi vài phần hấp dẫn của tác phẩm đối với mình.”
    nhưng bạn vẫn rate 10/10, bạn yêu Dan Brown thật ha ;(
    mình cố lắm rồi nhưng chẳng nuốt nổi bạn ơi ;( Pháo đài số còn hay chán chứ sao quyển này mình nản gần chết ;(

    Thích

    • mucmocmeo

      Như mình đã nói trong bài, rằng mình rất thích những mật mã và cái sự lắt léo, phức tạp của việc tìm lời giải cho chúng, cùng các kiến thức được lồng ghép vào. Vậy nên mình rate 10/10 vì điều đó 😀
      Mình thừa nhận cốt truyện của “Biểu tượng thất truyền” không đặc sắc bằng các tác phẩm trước, tuy nhiên mình vẫn cảm thấy đây là cuốn sách rất đáng đọc.
      Mình chưa đọc “Pháo đài số”, bạn có thể nói cho mình về sự hay ho của tác phẩm này được không?
      ^^

      Đã thích bởi 1 người

  2. regina

    thật ra cũng không hay tới vậy đâu, nó chỉ đỡ chán hơn Biểu tượng thôi :3 có lẽ mình không thích truyện Dan Brown nói chung mất rồi ;( đối với mình truyện Dan Brown khá nhạt nhòa về cả cốt truyện lẫn nhân vật ấy ;(

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.