Có lẽ dạo gần đây mọi người cũng nghe khá nhiều về việc “dọn dẹp”, sống tối giản, “minimalism”,…Xu hướng sống này đang ngày càng phổ biến và nhân rộng tới nhiều nhà, nhiều người hơn. Hiểu đơn giản rằng đó là việc vứt bỏ đồ đạc, chỉ giữ-dùng-mua những thứ thực sự cần thiết, sắp xếp ngăn nắp, khoa học đồ dùng trong nhà. Nghe có vẻ dễ nhưng để làm theo là cả một quá trình dài, không chỉ là những đồ vật mang giá trị vật chất mà còn là các giá trị tinh thần . Bạn nghĩ vứt bớt đồ là chuyện dễ dàng, nhưng đến lúc sắp vứt chúng đi thật bạn có thể sẽ thấy tiếc nuối. Hoặc là việc sắm sửa thêm, có những thứ không quá cần thiết mà bạn vẫn muốn mua -> giá trị tinh thần cao nhưng giá trị sử dụng không cao, thành ra điều đó đi ngược lại với lối sống tối giản.
“Cuộc sống sẽ dễ chịu và thoải mái hơn nếu chúng ta bỏ bớt những thứ dư thừa”
Ban đầu khi tìm hiểu và vận dụng theo lối sống “minimalism”, mình cũng chỉ nghĩ đơn giản rằng việc này áp dụng cho cuộc sống hàng ngày vậy thôi. Nhưng khi đọc cuốn “Sống thanh thản như người Thụy Điển” của Margareta Magnusson , mình mới nhận thức được sâu và rộng hơn về phong cách sống đáng học hỏi này.
Cuốn sách bắt đầu với khái niệm “dostadning” nghĩa là “dọn dẹp để chuẩn bị cho hành trình mới”. “Hành trình mới” ở đây mang ý nói giảm nói tránh cho việc “chết” của mỗi người.
Tác giả là người Thụy Điển, đã ngoài 80 tuổi – độ tuổi “gần đất xa trời”. Bà nghĩ rằng việc “dostadning” sẽ giúp bản thân sắp xếp lại gọn ghẽ cuộc sống, tránh phiền người khác (ở đây là các con cháu của bà) phải thu dọn “tàn cuộc” sau khi bà đã “ra đi” (bởi các con bà sẽ không biết làm gì với những vật dụng ấy, sẽ đem cho hoặc vứt những thứ quan trọng và ngược lại), đồng thời tìm lại chút ký ức, kỷ niệm đã qua.
Trong cuốn sách bà đã viết rất chi tiết và cặn kẽ về cách bà vận dụng “dostadning” từ những vật dụng sinh hoạt hàng ngày trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ cho tới những thứ chứa đựng nhiều ý nghĩa như quà tặng, các bộ sưu tập, thư từ, thiệp, các tấm ảnh,…Những phương pháp bà tinh gọn cho ngôi nhà có thể điểm sơ qua là:
-Những đồ dùng lâu năm vẫn còn dùng tốt và mang giá trị tinh thần sẽ đem tặng cho người hiểu và trân trọng những giá trị đó (ai đó trong số con, cháu của bà)
-Những đồ dùng bà cảm thấy không cần thiết nữa sẽ đem thanh lý hoặc từ thiện
-Giữ lại những đồ dùng cơ bản và gắn liền, mang nhiều ý nghĩa với cuộc đời bà
-Cố gắng tái chế và tái sử dụng đồ vật, hạn chế mua mới
Có thể thấy cách “dostadning” của tác giả khá là hợp lý và khoa học. Vừa có thể tinh giản không gian sống, nhắc nhở con cháu về những kỷ niệm đã qua lại vừa có thể giúp đỡ được những người thực sự cần hay thiếu thốn, lại rất tiết kiệm và “green”. Những việc này không chỉ đơn thuần là tuyên truyền lối sống tối giản mà còn là sự chia sẻ, tình cảm chân thành giữa người với người.
Ngoài ra, việc dọn dẹp cũng sẽ cho bạn được phép bước vào “hành trình quay trở về quá khứ”. Mỗi tấm ảnh bạn xem, mỗi tấm thiệp bạn cất giữ, mỗi đồ vật bạn tìm thấy được cũng sẽ gợi lại đâu đó một vài kỷ niệm trong bạn. Có thể sẽ là những kỷ niệm vui vẻ, hạnh phúc, cũng có thể sẽ là một câu chuyện thật buồn. Chọn giữ lại những gì bạn cảm thấy có ý nghĩa nhất và bạn muốn ghi nhớ mãi, như cách mà tác giả làm.
“Dostadning là việc bạn làm cho bản thân, để thỏa mãn chính mình”
“Niềm vui, cơ hội tìm kiếm ý nghĩa và các kỷ niệm là điều quan trọng nhất”
Thực ra bạn cũng có thể thực hành “dostadning” khi bạn bước sang trang mới của cuộc đời ví dụ như bắt đầu đi học xa nhà, lập gia đình, chuyển nơi ở,… hoặc bất kỳ giai đoạn nào bạn cảm thấy cần thiết “dostadning”.
“Quyết định tinh gọn nhà cửa, hãy nhớ đừng vội vàng. Hãy thong thả và thực hiện theo nhịp độ phù hợp với mình”
Mình thấy “Sống thanh thản như người Thụy Điển” là cuốn sách chứa đựng khá nhiều kiến thức hay ho về việc dọn dẹp nhà cửa cũng như lối sống tối giản nói chung, lại chứa đựng nhiều giá trị nhân văn. Lối viết thân thiện, gần gũi. Điển hình là mình có tìm được vài câu trích dẫn khá hay ho:
“Sự trung thực quan trọng hơn nhiều so với phép lịch sự”
“Sống tinh gọn là một sự giải thoát”
“Hải âu khi bay luôn biết tìm chỗ để nghỉ ngơi, nhưng trái tim con người, ràng buộc với sự sống trên mặt đất, không bao giờ có thể trải nghiệm sự bình yên đích thực khi còn sống”
Có lẽ mình nên dành lời cảm ơn tới NXB First News khi đã ưu ái gửi tặng mình cuốn sách này. Nhờ đó mình mới biết được nhiều hơn về con người Thụy Điển, cũng như cách sống, cách suy nghĩ và tư tưởng rất tân tiến của họ. Đó là những điều mà chúng ta nên học hỏi để phát triển và hoàn thiện bản thân hơn.
Bìa sách sử dụng những gam màu nhã nhặn, nhẹ nhàng phù hợp với tư tưởng và nội dung của cuốn sách.
Đánh giá: 8/10

1 bình luận về “\BOOK REVIEW/: SỐNG THANH THẢN NHƯ NGƯỜI THỤY ĐIỂN (THE GENTLE ART OF SWEDISH DEATH CLEANING) – MARGARETA MAGNUSSON”