LỢI ÍCH CỦA VIỆC ĐỌC & PHƯƠNG PHÁP HÌNH THÀNH THÓI QUEN ĐỌC SÁCH

Không phải tự dưng mà mình có thói quen đọc sách. Mình cũng không phải là đứa ham mê đọc sách từ bé hay hiếu học gì cho lắm ☺️. Nhưng hiện tại thì mình vẫn duy trì việc đọc mỗi ngày và tối thiểu 1 cuốn sách mỗi tháng. Để có được thói quen này là cả một quá trình dài, cùng theo dõi tiếp nhé.

Tại sao bạn cần đọc sách?

Đầu tiên, mình sẽ nói về lợi ích của việc đọc sách. Có lẽ các bạn cũng nghe về điều này khá nhiều, nhưng rất chung chung phải không? Mình sẽ nói theo quan điểm cá nhân, những lợi ích và trải nghiệm bản thân mình có được từ việc đọc sách nhé.

Mở rộng vốn từ vựng

Việc đọc sách đã trau dồi cho mình cả một kho từ vựng phong phú. Mình từng nghĩ là người Việt thì có thể biết được hết Tiếng Việt, nhưng mình đã lầm to! Khi đọc sách mình phát hiện có rất nhiều từ ngữ mới lạ, có những từ chưa từng nghe thấy bao giờ, hoặc có những từ đã nghe qua vài lần nhưng chưa hiểu hết nghĩa thì khi đọc trong sách mình mới vỡ lẽ. Ngoài ra, mình còn biết thêm kha khá từ Hán Việt khi đọc ngôn tình Trung Quốc. Mà từ Hán Việt thường có nghĩa rất rộng, mang nhiều hàm ý nên đôi khi bạn chỉ cần nói một từ, là truyền tải được hết ý muốn nói.

Processed with VSCO with s2 preset
Cảm giác nhâm nhi chút trà trong khi đọc sách vào buổi sáng sớm mùa thu thực sự rất tuyệt – Ảnh: mucmocmeo

Cải thiện khả năng viết 

Suốt 12 năm đi học, điểm phẩy môn Ngữ Văn của mình chỉ đạt mức trung bình khá. Đó là bởi vì mình thuộc lý thuyết, viết văn đủ ý, hoàn toàn không phải do dùng từ ngữ mỹ miều, câu văn bay bổng làm cảm động người đọc 😝. Đến bây giờ, mình vẫn cảm thấy mình viết văn bị cụt, có đôi chút khô khan. Nhưng bù lại mình có nhiều ý văn để viết, dùng câu từ rõ ràng, dễ hiểu. Những điều này đều do việc đọc sách đem lại. Khi bạn đọc nhiều câu chuyện, tiếp xúc các cách hành văn khác nhau, biết được nhiều chủ đề viết mới, tự dưng tiềm thức sẽ tiếp nhận và ghi nhớ những đoạn, câu chữ mà bạn thấy hay, thấy tâm đắc. Bộ não con người có khả năng tổng hợp thông tin, vì thế dần dà, những thứ đó sẽ biến thành của bạn. Khi cần, bạn sẽ “tuôn” chữ ra như sóng trào vậy đó.

Một lợi ích nhìn thấy rõ rệt của việc đọc sách đó là, mình “dễ dàng” vượt qua các kỳ thi cuối kỳ ở trường đại học. Những ai học Kinh tế, cụ thể là ngành “Quản trị kinh doanh” chắc không lạ lẫm với những môn như: Luật kinh doanh, Quản trị học, Quản trị chiến lược, Thương mại điện tử,…Hầu hết các môn học của ngành này đều chứa rất nhiều lý thuyết. Và mình đã ôn thi + học thuộc tất cả mà không hề dùng “phao” đó các bạn ạ T_T. Thông thường mỗi môn sẽ có khoảng 30-40 câu đề cương. Mình đã học bằng cách gạch đầu dòng các ý chính của mỗi câu và học thuộc chúng, sau đó đọc qua giáo trình 1 lượt để hiểu xem các ý chính đó nêu lên điều gì. Done! Khi làm bài thi, mình chỉ cần nhớ các gạch đầu dòng là có thể tự triển khai được hết các ý làm rõ sau đó. Thậm chí “bịa” thêm được kha khá thứ để viết 😂. Mình đã áp dụng cách này với tất cả các môn có lý thuyết và “pass” qua các kỳ thi một cách nhàn hạ với hầu hết điểm số B. Thêm nữa, việc viết các bài luận cũng diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng hơn. Đối với mình, không phải thi lại hoặc học lại là thỏa mãn rồi.

Nâng tầm hiểu biết

Việc đọc nhiều sách về một chủ đề hay các chủ đề khác nhau đều sẽ đem đến cho bạn rất nhiều kiến thức. Nếu đọc nhiều sách về một chủ đề, bạn sẽ có cái nhìn bao quát hơn, hiểu sâu hơn về lĩnh vực đó. Nếu đọc sách về các thể loại khác nhau, bạn sẽ biết thêm nhiều điều thú vị, mới mẻ hơn và có cơ hội tìm hiểu về những lĩnh vực mà trước kia bạn còn không có hứng thú. Điển hình như mình đã thử đọc sách lifestyle và biết về khái niệm “Minimalism”, “Lagom”, từ đó nảy sinh ra niềm yêu thích với phong cách tối giản và việc lựa chọn sự “vừa đủ” trong cuộc sống. Hay khi đọc sách của tác giả Thích Nhất Hạnh, mình có thêm vốn kiến thức về Phật pháp và Thiền định, từ đó tiết chế bản thân bớt “tham-sân-si”, biết cách cân bằng cảm xúc, sống healthy hơn.

Processed with VSCO with a6 preset
Ngoài sách ra thì mình cũng rất thích đọc tạp chí – Ảnh: mucmocmeo

Tự tin trong giao tiếp

Trước kia mình khá tự ti khi giao tiếp với người lạ nhưng giờ mình đã cải thiện được điều đó. Đại loại là khi quen một người bạn mới, mình có thể nghĩ ra nhiều chủ đề để nói hơn, tránh rơi vào tình trạng ngượng ngùng trong im lặng. Mấu chốt của cuộc giao tiếp khi mới quen đó là cần có nhiều câu hỏi. Nhất là khi đối phương là người khép kín hoặc ít nói hoặc chưa hứng thú với bạn lắm, bạn càng phải cần đặt thêm câu hỏi để duy trì được cuộc hội thoại. Lưu ý là hỏi những điều cơ bản và đừng xoáy sâu vào đời tư nha. Cũng không nên nói quá nhiều giành hết phần nói của người khác 😂.

Phương pháp hình thành thói quen đọc sách

Ở bài trước, khi chia sẻ về “Hành trình đọc sách và viết blog” cũng nói qua về việc mình bắt đầu tiếp xúc với các cuốn sách và quá trình đọc sách của mình. Qua chặng đường dài đó, mình đã đúc kết ra cách mà mình hình thành thói quen đọc sách. Các bạn cũng có thể thử áp dụng nhé.

Bắt đầu với thể loại sách yêu thích

Ai cũng muốn được làm những thứ mình thích đúng không? Đọc sách cũng vậy. Bắt đầu đọc những cuốn sách bạn yêu thích thì khả năng bạn cầm cuốn sách lên đọc chắc chắn sẽ cao hơn rồi. Nếu là người chưa từng đọc sách hoặc ít đọc sách hay lười đọc sách nói chung, túm lại các bạn nên bắt đầu đọc những thể loại sách bạn ưa thích (trừ truyện tranh ra nhé, truyện tranh không phải là sách).

Nếu chưa biết bản thân thích thể loại sách gì, bạn có thể ngẫm từ các bộ phim bạn thường xem. Ví như bạn thích phim hành động, gay cấn, hồi hộp thì có thể đọc sách của tác giả Sidney Sheldon hoặc Dan Brown. Nếu thích phim tâm lý-tình cảm thì đọc sách của Marc Levy, Nicholas Sparks (đa số sách của Nicholas Sparks đều được chuyển thể thành phim nên bạn có thể kết hợp đọc sách cả xem phim để hiểu rõ hơn về tác phẩm). Hoặc nếu đam mê mấy bộ phim sến súa của Hàn Quốc và Trung Quốc thì tiểu thuyết ngôn tình Trung Hoa sinh ra để dành cho bạn!!! Ngoài ra, bạn có thể nhận biết thể loại sách ưa thích thông qua sở thích/thói quen cá nhân. Nếu là người hay đọc báo, thích xem tin tức thì bạn có thể bắt đầu với tạp chí và đọc sách lifestyle. Hoặc bạn là người thích đi “phượt” chẳng hạn, hãy đọc những cuốn sách kể về hành trình/trải nghiệm du lịch. Còn nếu bạn không thuộc những kiểu nêu trên, mà thuộc dạng không biết bản thân thực sự thích gì, muốn gì thì lời khuyên ở đây là nên đọc sách self-help.

Processed with VSCO with a9 preset
Tạp chí về du lịch, lifestyle và nội thất là những thể loại mình hay đọc – Ảnh: mucmocmeo

Mỗi ngày dành ra một khoảng thời gian cho việc đọc

Mỗi ngày, hãy dành ra một khoảng thời gian ngắn để đọc sách. Đặt ra một lượng thời gian mà bạn thấy bạn sẽ dễ dàng đạt được, ví dụ như 5′, 10′, 20’…Bạn cũng có thể đọc lâu hơn nếu muốn, chí ít thì việc đặt ra và hoàn thành mục tiêu sẽ giúp bạn có thêm động lực duy trì việc đọc sách.

Đọc vào thời điểm nào? Trước khi đi ngủ hay sáng sớm trước khi đến trường/đến công ty? Gán cho việc đọc một thời điểm cụ thể sẽ giúp hình thành nên thói quen của bạn. Lâu dần, bạn sẽ tự giác thực hiện theo thời gian biểu đó mà bản thân còn không nhận ra.

Thời gian đầu bạn nên cài đặt lời nhắc/báo thức trên điện thoại để có thể nhắc nhở bản thân rằng: “A, đến giờ rồi, phải đi đọc sách thôi!”

Nên nhớ, cố gắng thực hiện theo đúng thời gian biểu mỗi ngày. Trường hợp bạn bị bỏ lỡ, hãy đọc bù ngay khi có thể.

Hãy đọc khi bạn thực sự muốn đọc, đừng gượng ép bản thân

Nếu không may đọc phải quyển sách “nhảm nhí”, “nhạt toẹt”, “chán òm”, hãy dừng ngay việc đọc cuốn sách đó lại và “say bye”. Bạn không cần phải ép bản thân đọc những thứ mình không thích. Mình cũng từng đọc phải rất nhiều cuốn sách mà bản thân thấy “dở ẹc”. Mình cứ cố đọc mãi đọc mãi vì nghĩ rằng biết đâu điều hay ho nằm ở những trang sau. Nhưng càng đọc càng thấy chán, nên mình không có đọc nữa và cho em nó nằm một xó.

Processed with VSCO with a9 preset
Bạn có thể mang sách theo người để tranh thủ đọc trong thời gian nhàn rỗi – Ảnh: mucmocmeo

Tương tự nếu bạn đọc phải những cuốn sách “khó nhằn”, những cuốn đạt giải Nobel hay thuộc thể loại kinh điển của nhân loại. Nếu không hấp thu được, mình cũng khuyên là nên dừng lại. Dù đã đọc sách hơn chục năm nay, nhưng với những tác phẩm thuộc hàng siêu phẩm, tuyệt tác của thế giới như “Đồi gió hú”, “Không gia đình”, “Nhà giả kim”, “Kiêu hãnh và định kiến”, “Con hủi”,…mình đều chưa từng đọc qua. Đơn giản là mình nghĩ chưa đến lúc, dù nghe ra rả phương tiện truyền thông nhắc đến các tác phẩm này mỗi ngày. Mình không hay làm theo những gì mà mọi người thường làm và cũng không ham hố đọc những cuốn mà ai cũng thường sẽ đọc khi mới bắt đầu. Mình chỉ đọc khi mình thực sự muốn. Nghĩa là thay vì chạy theo số đông, thì mình lắng nghe xem bản thân thực sự muốn thế nào và thực hiện theo. Một lý do nữa là, mình muốn đọc những cái cơ bản, dễ đọc, dễ hiểu rồi nâng mức dần dần. Khi cảm thấy bản thân có một sự hiểu biết nhất định, mới bắt đầu đọc các thể loại siêu phẩm. Có như vậy, mình mới hiểu sâu sắc những điều ẩn ý, triết lý mà tác phẩm đó truyền tải.

Nên đọc sách giấy

Từ trước đến nay mình vẫn luôn thích đọc sách giấy hơn các thể loại khác như e-book. Mình thích trải nghiệm cầm cuốn sách tận tay, lật giở từng trang, highlight những đoạn văn hay, ngửi mùi thơm của giấy. Sau khi hoàn thành việc đọc sách, sẽ gập nó lại, vuốt phẳng phiu và cất gọn lên kệ. Rồi bất cứ khi nào muốn xem lại, có thể mở sách ra lướt qua như tua lại những kỷ niệm mình đã có với cuốn sách đó vậy. Dẫu biết nếu đọc e-book sẽ thuận tiện và giá cả cũng rẻ hơn rất nhiều, nhưng mình vẫn luôn có cảm giác không thật :D. Kiểu như mình sẽ không cảm nhận được hết câu chuyện hay nội dung, cái hồn của cuốn sách đó.

Mình vẫn khuyên những người bắt đầu đọc sách nên lựa chọn sách giấy bởi có vẻ bạn sẽ có “trách nhiệm” với cuốn sách bạn đang giữ trong tay hơn là những trang PDF trên màn hình điện thoại hoặc laptop mà nhìn chúng không khác gì mớ tài liệu khô khan. Thêm nữa, đọc sách với e-book sẽ khiến bạn không thể tập trung “toàn tâm toàn ý” với câu chữ bởi những banner quảng cáo nhấp nháy liên tục hoặc bất thình lình xuất hiện trên màn hình. Hoặc thông báo tin nhắn, thông báo giảm giá/khuyến mại, thông báo từ vô vàn các ứng dụng khác,…bạn có chắc sẽ không tò mò mà gạt phải để mở ra xem không?

Processed with VSCO with j1 preset
Vẫn nên đọc sách giấy thì hơn – Ảnh: mucmocmeo

Chú trọng không gian xung quanh khi đọc sách

Không gian xung quanh cũng ảnh hưởng kha khá tới việc đọc của bạn, kể cả khi bạn là người bắt đầu đọc hay đã có thói quen đọc sách rồi. Nên ngồi đọc sách tại nơi không có quá nhiều tạp âm hoặc ít tiếng ồn. Ngoài ra, tắt hết thông báo các ứng dụng điện thoại không quan trọng để có thể chú tâm với con chữ. Bạn cũng có thể bật một chút nhạc nhẹ không lời để tăng thêm cảm xúc nhé.

Nếu được, hãy tận dụng ánh sáng tự nhiên để đọc sách. Ánh sáng tự nhiên có thể đem lại sự dễ chịu và khơi dậy niềm lạc quan, tích cực trong bạn.

Suy nghĩ về nội dung sau khi đọc xong một cuốn sách

Tuy đã hoàn thành việc đọc sách nhưng không hẳn bạn sẽ hiểu hết những điều mà tác giả muốn truyền tải. Hãy dành thời gian để ngẫm nghĩ thêm về cốt truyện, cách viết hoặc những thứ từ cuốn sách đọng lại trong bạn. Bạn cũng có thể tìm đọc các bài review về cuốn sách đó để mở rộng thêm những điều ở trong sách mà bạn chưa rút ra được hoặc đơn giản là xem ý kiến của những cá nhân khác. Biết đâu họ cũng đồng quan điểm với bạn ^^ Việc đọc những bài bình sách, nhận xét sẽ khiến bạn có cái nhìn khách quan hơn, giúp bạn thấy được rằng cuốn sách tuy nhỏ bé nhưng đem lại cho bạn nguồn tri thức rộng thế nào.

Sau khi đọc xong một cuốn sách, mình thường chưa thể bắt đầu đọc một cuốn mới ngay. Bởi vì dư âm của những cuốn sách vừa đọc để lại trong mình khá lâu, khiến mình cứ vấn vương mãi. Thường sẽ phải mất tới vài ngày hoặc 1 tuần, thậm chí 2 tuần mình mới sắp xếp gọn được những ý nghĩ trong lòng về cuốn sách đó, để lại bắt đầu với những thứ mới mẻ khác.

Trên đây là những lời chia sẻ theo quan điểm cá nhân của mình, mong rằng sẽ giúp ích cho việc đọc sách của các bạn. Nếu áp dụng thành công, nhớ khoe chiến tích với mình nhé 😉

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.