LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC BỨC HÌNH FLATLAY ĐẸP? (P.1)

Cũng có khá nhiều người hỏi mình rằng “Làm thế nào để chụp được một bức hình flatlay đẹp?”. Nhưng muốn trả lời được câu hỏi ấy thì đôi ba dòng không thể nói hết. Vậy nên mình viết bài post này, dựa trên kinh nghiệm cá nhân và những điều mình đã học hỏi được để chia sẻ với mọi người về cách chụp ảnh sao cho có được những bức hình flatlay đẹp và bắt mắt.

1. Flatlay là gì?

Đầu tiên mình xin phép chia sẻ về khái niệm Flatlay.

Flatlay là phong cách chụp ảnh sắp xếp đồ vật trên một mặt phẳng (flat) gồm một vật chủ thể và các lớp (lay) vật khác ở vị trí xung quanh để trang trí. Góc chụp từ trên xuống vuông góc với mặt phẳng.

Bạn có thể chụp từ góc trái/góc phải/góc chéo, chụp gần cận vật thể hoặc chụp xa nhưng phải đảm bảo bố cục bức ảnh được cân đối, màu sắc hài hòa, làm rõ vật thể chính.

Ở Paris tán gẫu cùng gái Pháp
Ảnh: mucmocmeo

2. Các bước chụp ảnh Flatlay

Bước 1: Tìm kiếm ý tưởng

Khi bắt đầu với Flatlay, bạn cần phải có ý tưởng cho bức ảnh trước đã. Bạn định sẽ chụp đồ vật gì? Chụp ảnh với phong cách gì? Concept thế nào? Màu sắc ra sao? Thông điệp bạn muốn truyền tải qua bức ảnh là gì?

Lý thuyết nghe có vẻ phức tạp nhưng thực ra thì không khó để định hình concept cho bức ảnh. Nếu bạn là người mới tập chụp, hãy tham khảo các bức hình Flatlay trên Instagram hoặc Pinterest và chọn lấy một vài bức mà bạn cảm thấy thích thú nhất. Sau đó, để ý thật kỹ bố cục bức ảnh, màu sắc của vật thể chính và các vật thể phụ, góc chụp,…Rồi bạn hãy chọn ra những thứ sau:

  • Vật thể chính. Hãy chọn ra một thứ làm trung tâm của bức ảnh, thứ mà bạn muốn “khoe” cho cả thế giới xem. Ví dụ như mình review sách thì sẽ chọn sách làm vật thể chính.
  • Nền của bức ảnh. Đơn giản nhất và dễ kiếm nhất chính là dùng nền trắng. Màu trắng phù hợp cho tất cả mọi thể loại ảnh, concept, vật,… Hơn thế nữa, nền trắng sẽ giúp bạn dễ dàng trong việc hậu kỳ sau này, vì vậy hãy ưu tiên dùng nền trắng khi mới bắt đầu. Có rất nhiều vật dụng màu trắng có thể dùng để làm nền như tấm vải, giấy bìa, ga giường, chăn, áo trắng, thậm chí là những tờ lịch treo tường.

Những ngày đầu tập tành chụp Flatlay, lịch treo tường chính là phông nền của mình. Ngày đó mình không thể kiếm một cái nền nào khác ở nhà vì thế chỉ còn cách dùng tạm mặt sau của những tờ lịch cũ. Tuy khổ hơi nhỏ nhưng mình vẫn cố xếp đồ gọn gàng một chút và hậu kỳ nhiều một chút. Các bức ảnh hồi đầu năm 2016 mình đều sử dụng lịch làm phụ kiện hết đó. Phải đến năm 2017 mình mới mua vải và bìa trắng chuyên dụng để chụp hình ^^.

“Những bức hình ngày đầu mới tập chụp hồi năm 2016” – Ảnh: mucmocmeo

  • Các vật thể phụ. Những đồ decor phụ sẽ có nhiệm vụ bổ trợ và làm nổi bật vật thể chính. Ban đầu, bạn hãy cố gắng chọn những vật có cùng tông màu hoặc mang màu sắc, phong cách, kiểu dáng đồng nhất với vật thể chính hoặc với concept bạn hướng tới. Lưu ý là các vật thể phụ nên có kích cỡ nhỏ hơn vật thể chính để không làm lấn át vật thể chính, phá vỡ bố cục dẫn đến người xem sẽ không rõ được rốt cuộc bạn đang chụp cái gì.

Bước 2: Bài trí bố cục

Đây là bước quan trọng để làm nên một bức ảnh đẹp mắt. Ở bước này bạn cần phải sắp xếp sao cho giữa các vật thể có khoảng cách hợp lý (không quá sát nhau hoặc không quá xa nhau), vật thể chính cần được đặt ở vị trí trung tâm và các vật thể phụ sẽ trải đều ra các phía xung quanh.

Việc bài trí bố cục cũng phụ thuộc khá nhiều vào khâu chọn góc chụp ảnh. Bởi đôi khi bạn xếp một kiểu nhưng lúc nhìn qua ống kính sẽ lại thành một kiểu khác. Cho nên hãy đọc tiếp bước 3 để biết cách căn bố cục thông qua việc chọn góc chụp.

Bước 3: Chọn góc chụp

Nếu bạn có nhiều vật thể phụ decor, hãy chọn góc chính giữa.

Như bức này:

Bụi sao
Ảnh: mucmocmeo

Nếu bạn có ít vật thể phụ decor, mình khuyên nên chọn góc 1/3.

Như bức này:

Processed with VSCO with s2 preset
Ảnh: mucmocmeo

Khi chọn được góc rồi, bạn hãy chụp thử vài tấm rồi xem lại bố cục đã ok chưa, các vật thể xếp ở những vị trí hợp lý chưa, vật thể chính có bị lệch hay không, có bụi hay bẩn hay vướng vật thể lạ vào ảnh không,…sau đó điều chỉnh góc chụp cho phù hợp.

Bước 4: Chụp ảnh

Khi đã có được góc thuận mắt nhất rồi, hãy mạnh dạn nhấn nút chụp ảnh và vừa chụp vừa tiếp tục điều chỉnh độ xa-gần của ống kính và các vị trí của vật thể. Hãy chụp cho đến khi bạn có được góc chụp hài lòng nhất.

Bước 5: Chọn ảnh

Mình phải nói trước rằng, đây là một bước rất vất vả. Việc phải chọn 1 bức ảnh trong hàng chục cái, thậm chí hàng trăm cái quả thật không dễ dàng gì, nhất là khi các bức cứ na ná như nhau. Có nhiều người sẽ chọn ra những bức ảnh ưng ý nhất và xóa tất cả cái còn lại nhưng mình thì không làm thế. Mình sẽ chọn xóa những bức ảnh có khuyết điểm trước kiểu:

  • Ảnh bị mờ, rung, lắc
  • Ảnh có vết bẩn mà không hậu kỳ được
  • Ảnh bị lệch góc chụp

Sau đó so sánh giữa các bức ảnh còn lại về tỉ lệ giữa các vật thể, độ sáng, bố cục, góc chụp,..rồi chọn ra cái đạt chuẩn để chỉnh sửa.

Với những người có tay nghề thì có thể họ sẽ không cần phải chụp quá nhiều ảnh sau khi có được góc chụp ổn. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, nhất là chụp ảnh quảng cáo thì vẫn cần phải chụp nhiều ảnh để có được sự lựa chọn tốt nhất. Trường hợp của mình thì vẫn chụp nhiều bởi mình khá khó tính, nên mình cứ chụp lia lịa đến khi có được bức mình ưng ý nhất. Thành ra mỗi lần chọn ảnh là một lần “ngập ngụa” trong hàng tá ảnh và siêu tốn thời gian để cân đo đong đếm từng bức một.

Bước 6: Chỉnh sửa ảnh

Yeahh, đến bước cuối cùng rồi!

Bước này sẽ không mất quá nhiều thời gian của bạn bởi nó đã được định hình ngay lúc ban đầu khi bạn lên ý tưởng cho bức ảnh. Lúc này, bạn chỉ cần chỉnh màu sao cho fit với concept thôi.

Những thứ cơ bản cần chỉnh (và mình thường chỉnh) trong một bức ảnh đó là:

  • Ánh sáng (Exposure). Từ “exposure” dịch đúng nghĩa là “phơi sáng” nhưng ở đây mình sẽ chỉ độ sáng nói chung.
  • Độ tương phản (Contrast)
  • Độ sắc nét (Sharpen). Hoặc có thể nói là “chi tiết”. Mục này sẽ làm cho từng vật trong ảnh được làm rõ và chi tiết hơn.
  • Độ bão hòa (Saturation). Cái này mình thường dùng để điều chỉnh các mức độ màu. Ví dụ khi màu bị nhạt so với thực tế thì mình sẽ tăng Saturation, còn khi màu đậm quá thì mình sẽ giảm.
  • Cân bằng trắng (White Balance). Vì mình thích tông màu lạnh nên thường giảm Temperature để màu ảnh xanh hơn, lạnh hơn. Nếu tăng Temperature thì màu ảnh sẽ có xu hướng vàng hơn và ấm hơn.

3. Những điều lưu ý khi chụp Flatlay

  • Hãy coi mỗi một bức ảnh là một câu chuyện và việc bạn cần làm là kể câu chuyện ấy thông qua việc bố trí, sắp xếp các vật thể trong bức ảnh. Sao cho khi người ta xem bức ảnh của bạn, có thể hiểu phần nào những điều bạn muốn truyền tải, như là: nhận biết được bạn đang chụp cái gì, phong cách thế nào, điều bạn muốn nói ở đây là gì.
  • Các vật thể phụ nên có kích cỡ nhỏ hơn vật thể chính để vật thể chính không bị “chết chìm” trong một mớ toàn đồ vật. Nếu vật thể phụ hơi “quá khổ”, hãy đặt chúng ở vị trí mà ống kính của bạn chỉ lấy được một phần của vật thể thôi (đặt ở bốn góc của bức ảnh).

Ví dụ như bức dưới đây, khi chụp mình không lấy hết toàn bộ cuốn sách ở phía bên phải:

\BOOK REVIEW/: THANH LỊCH TỪ NHỮNG KHOẢNH KHẮC ĐỜI THƯỜNG - JENNIFER L. SCOTT
Ảnh: mucmocmeo
  • Khi chụp, hãy cố gắng điều chỉnh sao cho lúc hậu kỳ sẽ tối thiểu được công đoạn chỉnh sửa. Bức ảnh càng ít phải sửa thì độ “thật” càng cao.

(Còn tiếp)

Advertisement

3 bình luận về “LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC BỨC HÌNH FLATLAY ĐẸP? (P.1)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.