LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC BỨC HÌNH FLATLAY ĐẸP? (P.2)

Bài viết này mình sẽ đi chi tiết vào những điểm mấu chốt tạo nên một bức hình flatlay đẹp.

1. Ánh sáng

Như đã nói ở bài viết phần 1, ánh sáng đóng góp đến 70% sự thành công của bức ảnh. Một bức ảnh đẹp sẽ có ánh sáng phủ đều lên các vật thể, đặc biệt là vật thể chính phải được rõ nhất, nét nhất. Ngoài ra, độ sáng vừa phải, không bị chói quá cũng không bị tối quá. Bức ảnh đủ sáng thì khi hậu kỳ sẽ không bị mờ và cũng không cần phải chỉnh sửa quá nhiều.

Cách chụp flatlay bằng điện thoại
“Ánh sáng là yếu tố chủ chốt tạo nên một bức ảnh đẹp” – Ảnh: mucmocmeo

Nếu không có đèn hay các dụng cụ tạo sáng chuyên dụng, thì ánh sáng tự nhiên là lựa chọn tốt nhất. Bạn nên chụp vào buổi sáng sớm từ 8 – 10h hoặc tầm chiều 3 – 5h khi nắng không quá gắt. Bởi nếu nắng gắt thì ảnh của bạn sẽ bị cháy sáng, dẫn đến vỡ ảnh và khó hậu kỳ, nhìn chung là sẽ không đẹp. Mình vẫn luôn ưu tiên chọn ánh sáng tự nhiên vì ánh sáng tự nhiên sẽ đủ rộng để trải đều lên bức ảnh và sẽ khiến cho bức ảnh được “thật” hơn. Ngoài ra, bạn có thể dùng ánh sáng từ đèn (đèn bàn, đèn tuýp,..), nhưng ánh sáng này thường sẽ khiến cho ảnh bị mờ, không đủ độ nét hoặc quá sáng (nếu bạn chụp buổi tối), và trải không đều (nếu bạn chụp ban ngày khi có thêm cả ánh sáng tự nhiên). Cách tốt nhất là hãy tự làm chiếc “studio mini” khi sử dụng đèn thông thường để có được ánh sáng tốt nhất (cách này người ta thường áp dụng khi chụp sản phẩm hoặc các vật có kích cỡ nhỏ).

-> Xem hướng dẫn cách làm tại đây.

ảnh flatlay
“Hãy cố gắng tận dụng ánh sáng tự nhiên để màu ảnh được thật nhất” – Ảnh: mucmocmeo

2. Màu sắc

Một vấn đề hay gặp khi chụp flatlay là cách phối màu sao cho phù hợp. Mỗi người sẽ có mắt nhìn cũng như quan niệm khác nhau, tuy nhiên thì vẫn có một vài quy tắc chung. Ví dụ như mình chụp ảnh sách chẳng hạn. Sách là vật thể chính cần làm nổi bật trong bức ảnh sao cho khi người xem nhìn ảnh lần đầu tiên, đập vào mắt họ sẽ là cuốn sách. Nhưng nếu cuốn sách đó có bìa màu nhạt cùng đôi ba dòng chữ đơn giản (nhìn khá đơn điệu) mà mình lại đặt ở chính giữa, bao xung quanh là những vật thể có màu sắc nổi bật, rực rỡ thì chắc chắn cuốn sách sẽ “chìm nghỉm”. Bởi cái thu hút người xem sẽ là những vật thể màu sắc kia chứ không phải cuốn sách. Như vậy thì bức ảnh của mình coi như “vứt đi” rồi.

Thế nên mới nói, cách phối màu cũng rất quan trọng. Bạn có thể phối theo tone màu, theo sắc độ, phối màu tương phản hay phối màu theo chủ đề, chất liệu,…tùy thuộc vào concept ban đầu hay nội dung bạn muốn nói.

cách chụp ảnh flatlay đẹp
“Cần lựa chọn màu sắc cân bằng, hài hòa giữa các vật thể” – Ảnh: mucmocmeo

Mình thích Flatlay bởi style ảnh này cho phép người ta thoải mái sáng tạo, phá cách mà không cần quá nhiều kỹ thuật phức tạp. Cho nên, bạn sẽ được tùy ý bày biện, sắp xếp đồ vật theo chủ đề hoặc đôi khi chả cần chủ đề gì sất. Nhưng, bày biện sao cho nghệ thuật và tinh tế lại đòi hỏi một chút kỹ năng của người chụp. Kỹ năng sắp xếp bố cục hợp lý, kỹ năng phối màu ăn khớp là những điều cần thiết lúc này.

ảnh flatlay đẹp
“Ngoài màu sắc thì chất liệu cùng là điểm cần lưu ý khi lựa chọn các vật thể để sắp xếp” – Ảnh: mucmocmeo

Muốn biết cách lựa chọn màu sắc, chất liệu để phối hợp với nhau thì bạn hãy xem thật nhiều ảnh và tìm tòi thật nhiều. Vậy tìm tòi ở đâu? Hãy đọc phần tiếp theo nào.

3. Nguồn tìm kiếm ý tưởng

Ban đầu mình thường tìm kiếm ý tưởng chụp ảnh, cụ thể là các bức ảnh chụp sách kiểu Flatlay trên Pinterest và Instagram. Dần dần thì mình xem cả ảnh Flatlay chụp các thứ khác như đồ ăn, mỹ phẩm, lifestyle, thời trang,…Nhưng chỉ mỗi xem ảnh Flatlay thôi thì chưa đủ. Muốn sáng tạo hơn nữa, bạn cần phải xem nhiều thứ hơn ngoài ảnh và nhiếp ảnh nói chung.

Chụp ảnh flatlay đẹp
“Muốn sáng tạo, bạn cần tham khảo ở thật nhiều nguồn ý tưởng khác nhau” – Ảnh: mucmocmeo

Có thể bạn chưa biết, nhưng việc đi xem các triển lãm tranh ảnh, nghệ thuật hay đi thăm thú các bảo tàng mỹ thuật cũng sẽ tăng gu thẩm mỹ của bạn lên rất nhiều. Có thể bạn không am hiểu lắm về các bức họa hay tính nghệ thuật trong từng tác phẩm, nhưng việc bạn đến và xem chúng cũng sẽ cho bạn cái nhìn mới mẻ hơn về giới nghệ thuật cũng như cách nhận biết về bố cục, cách phối màu sắc, chất liệu sử dụng. Mình là đứa không-có-một-chút-liên-quan-gì đến hội họa, nhưng lại rất thích đi xem tranh. Vậy nên mình thường tìm đến các bảo tàng hay triển lãm, phòng trưng bày để tìm hiểu. Và nhờ đó, mà mình có thêm những ý tưởng mới về màu sắc hay chất liệu để phục vụ cho việc chụp ảnh.

Ngoài ra, mình cũng không giới hạn bản thân mà thử tìm tòi ý tưởng ở nhiều lĩnh vực khác. Kiến trúc, thời trang, hội họa, văn học là những thứ mình quan tâm và dành thời gian để mày mò. Ví dụ như xem show thời trang của các thương hiệu có tiếng hoặc đọc tạp chí về thời trang; ngắm và thưởng thức các công trình kiến trúc qua tranh ảnh, báo chí, phim điện ảnh, phim tài liệu; tìm đọc các tác phẩm văn học về nghệ thuật hoặc có lồng ghép các kiến thức nghệ thuật; ngắm tranh tại các khu triển lãm hoặc bảo tàng online như Google Arts & Culture.

4. Chỉnh sửa ảnh

Nếu bạn mắc lỗi ở tất cả các điều kể trên khi chụp ảnh thì phần “chỉnh sửa” sẽ có thể “cứu” bức ảnh của bạn một cách đáng kể đấy. Mình ví dụ như sau:

  • Ảnh thiếu sáng: Bạn có thể chỉnh thêm sáng và tăng nhiệt độ cho bức ảnh được tự nhiên hơn giống như có nắng chiếu vào. (App khuyên dùng: Snapseed, VSCO)
  • Màu sắc của vật thể hơi mờ nhạt: Bạn vẫn có thể “tô màu” cho vật thể chính được nổi bật hơn hay làm cho màu của các vật thể đậm và sắc nét hơn ở phần “Contrast” và “Saturation”. (App khuyên dùng: Lightroom)
  • Bức ảnh nom đơn điệu và tẻ nhạt bởi bí ý tưởng hay thiếu props: Bạn hoàn toàn có thể “phù phép” bằng cách dùng các loại filter có sẵn trong app. Đó là những gợi ý hoàn hảo và đôi khi chúng còn tạo ra một chủ đề cho bức ảnh của bạn. (App khuyên dùng: VSCO, PicsArt)
ảnh flatlay
“Không cần thiết phải dùng quá nhiều app chỉnh sửa cho 1 bức ảnh” – Ảnh: mucmocmeo

Một vấn đề nữa mình muốn nói đó là các bạn không cần phải sử dụng quá nhiều app chỉnh sửa cho một bức ảnh. Bức ảnh càng thật thì càng chiếm được nhiều thiện cảm. Lạm dụng nhiều các công cụ chỉnh sửa sẽ khiến ảnh của bạn “ảo” và mất đi cái vẻ đẹp đẽ tự nhiên vốn có. Vậy nên mình nghĩ chỉ sử dụng tối đa 2 app chỉnh sửa, ví dụ như 1 app chỉnh độ sáng (Snapseed) và app còn lại để chỉnh màu (VSCO).

Phía trên mình có note một vài app chỉnh sửa mình thường dùng, và các app này cũng được rất nhiều người trong giới khuyên dùng. Tất nhiên là ngày càng có vô vàn các app khác mới mẻ và hay ho hơn. Bạn hãy chọn lấy một vài app tủ cho bản thân và sử dụng thành thạo chúng là đủ cho những bức ảnh lung linh rồi nhé.

Có lẽ chúng ta nên nói lời cảm ơn tới những người tạo ra các phần mềm chỉnh sửa ảnh “thần thánh” bởi nhờ họ mà giờ đây ai cũng có cơ hội trở thành một “photographer” chỉ với chiếc điện thoại thông minh.

———————————————

4 yếu tố trên là những thứ mình thấy “cần thiết” cho một bức ảnh Flatlay đẹp. Cho đến thời điểm hiện tại, mình cũng chưa có quá nhiều kinh nghiệm và cũng chưa thực sự đi sâu vào con đường chuyên nghiệp nên những kiến thức mình chia sẻ vẫn còn rất hạn hẹp. Mình cũng mong nhận được sự góp ý, chia sẻ từ mọi người để ngày càng hoàn thiện hơn nữa.

Bất kể kỹ năng gì cũng cần phải trau dồi, học hỏi thì mới phát triển được. Vì thế mình vẫn đang không ngừng rèn luyện và tự mày mò thêm. Tất cả những điều này mình làm đều là vì sở thích, cũng chưa biết chúng sẽ dẫn mình tới đâu nhưng mình tin rằng “Cứ đi rồi sẽ đến thôi” ^^.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.