Cũng như Trung Quốc, Hàn Quốc là một đất nước có nền văn hóa đặc sắc, đậm nét châu Á và rất phổ biển ở Việt Nam qua các kênh phim ảnh, âm nhạc, sách báo. Mình là một trong những thành phần thuộc thế hệ 9x “cày” không biết bao nhiêu bộ phim đình đám từ “Giày thủy tinh”, “Bản tình ca mùa đông”, “Mối tình đầu”, “Nấc thang lên thiên đường”,… đến “Vườn sao băng”, “My girl”, “Thư ký Kim sao thế?”,.. Xem nhiều phim Hàn Quốc vậy mà mình lại ít khi “sờ” đến các tác phẩm văn học của “xứ sở kim chi”. Cuốn sách Hàn Quốc duy nhất mình đọc và thấy rất tâm đắc đó là Bước chậm lại giữa thế gian vội vã của đại đức Hae Min, nói về sự hạnh phúc, cốt lõi sự sống của con người, Phật giáo và thiền định. Mới đây nhất thì là cuốn Hạnh nhân của Sohn Won-Pyung và qua tác phẩm này, mình mới nảy sinh ra mong muốn tìm hiểu về văn học Hàn Quốc.
“Hãy chăm sóc mẹ” là cuốn sách mà mình tìm tòi được khi đang nghiên cứu về những tác phẩm Hàn Quốc đáng đọc. Mình thực sự bất ngờ vì ngoài phim ảnh ra, văn học Hàn cũng rất xuất sắc.
Cuốn sách là hành trình hồi tưởng lại những ký ức đã qua của người chồng, người anh trai cả, người em gái thứ về người mẹ đã bị lạc tại ga tàu Seoul. Đó là những đoạn hồi tưởng đầy nhớ nhung, đau khổ, nuối tiếc về những chuyện “nếu mẹ không bị lạc thì…”; “đáng lẽ ra mình nên/không nên,…”, “kể ra mẹ vẫn ở nhà thì…”; “lúc mẹ lạc thì mình đang ở đâu cơ chứ?”; “đáng lẽ mình phải đi đón mẹ chứ”; “nếu tìm thấy mẹ mình sẽ…”; “khi nào mẹ về mình nhất định sẽ…”; …. cùng hàng trăm những lời nói, ý nghĩ nội tâm khác. Tuy nhiên, tất cả chỉ có thể nằm ở suy nghĩ và 2 từ “giá như”.
Người anh trai cả hối hận vì đã mải mê với công việc, những dự án mới mà chẳng mấy khi quan tâm đến mẹ ở dưới quê. Anh luôn mặc định việc mẹ ưu ái anh, chiều chuộng anh, chăm sóc anh và các con của anh là lẽ dĩ nhiên bởi anh là người con đầu tiên của mẹ cơ mà. Mẹ có thể cho anh ăn các món ngon nhất mà các em của anh chẳng bao giờ được nếm thử, mẹ có thể làm hết mọi việc trong nhà để cho anh được tập trung học hành, mẹ có thể đêm hôm lặn lội từ quê lên Seoul chỉ để đưa thứ giấy tờ quan trọng cho anh xin việc,…Mẹ có thể làm tất cả vì tương lai, sự nghiệp của anh. Nhưng anh đã làm được gì cho mẹ cơ chứ?
Người em gái thứ luôn dằn vặt vì đã luôn không nghe lời mẹ. Dù biết mẹ không muốn cô chu du khắp nơi nhưng vì ý thích, cô cứ mắc kệ lời mẹ nói và lên đường đi khắp mọi miền trên thế giới. Cô luôn hối hận vì đã thường dùng những lời nói khó nghe khi nói chuyện với mẹ, không dành nhiều thời gian với mẹ, không để ý tới sức khỏe của mẹ. Và mặc cho mẹ cứ giục cô lấy chồng vì cô đã nhiều tuổi, cô vẫn nhất định không chịu. Nhưng giờ thì mẹ đã không thể dự đám cưới của cô nữa rồi. Cô đã khiến mẹ đau lòng tới mức nào cơ chứ?
Sau khi người vợ bị lạc, ông chồng mới bắt đầu nhận thức được rằng vợ quan trọng tới nhường nào. Ông là một người chồng tồi bởi ông luôn cho rằng vợ sẽ luôn ở bên cạnh hầu hạ ông. Nhưng ông nào biết rằng ông có hoãi bão, đam mê thì vợ ông cũng biết ước mơ. Ông tuổi già sức yếu thì vợ ông cũng biết đau, biết mệt. Ấy vậy mà bao nhiêu năm được hưởng sự chăm sóc, lo lắng của người vợ thì là bấy nhiêu năm ông dửng dưng, hờ hững với người “chung chăn gối” của mình. Ông đã bao giờ để tâm đến vợ mình chưa? Ông có bao giờ nấu nổi cho vợ mình một bát cháo? Ông có từng hỏi vợ mình có buồn, có vui, có mệt dù chỉ một lần không? Người không còn, ông đau xót thì có ích gì đâu cơ chứ?
Đây có lẽ là cuốn sách đầu tiên khiến mình bồi hồi, thổn thức từ đầu tới cuối. Một người mẹ hết lòng hy sinh vì con cái, vì gia đình. Bà chằng mảy may để ý tới nhu cầu, mong muốn của bản thân mà dành cả đời để lo cơm áo gạo tiền, lo cho các con được ăn học đàng hoàng, lo cho người chồng cứ mải miết đi tìm ý nghĩa cuộc đời. Một người mẹ giàu tình thương tới nỗi còn chăm lo việc ăn uống cho cả mấy đứa trẻ hàng xóm, gom góp tiền cho trại trẻ mồ côi thiếu thốn. Đáng lẽ ra, người tốt như vậy nên được hưởng một tuổi già an nhàn, bình lặng. Nhưng cuộc sống quá tàn nhẫn với bà, khi mà bi kịch bắt đầu lúc bà bị lạc ở ga tàu Seoul và lần cuối cùng người ta nhìn thấy bà là hình ảnh một người phụ nữ nhếch nhác, đôi mắt lờ đờ, đi dép lê màu xanh, chân bị thương rỉ máu đến nỗi ruồi nhặng bu đầy nhưng vẫn cứ bước đi vô thức.
Tác phẩm “Hãy chăm sóc mẹ” quả thực xuất sắc khi chạm đến trái tim của bạn đọc, lay động những tình cảm sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người, khiến họ nhận ra cái gì là đúng, điều gì là tốt, là đáng trân trọng. Mình mong ai cũng nên một lần đọc tác phẩm này, để nhận ra rằng Mẹ đã hy sinh vì chúng ta ra sao, vất vả nhiều đến thế nào. Để chúng ta biết trân quý người Mẹ vẫn luôn âm thầm, lặng lẽ ở bên ủng hộ, yêu thương chúng ta và đợi chúng ta về nhà.
Bìa sách của cuốn này mình thấy đẹp. Tuy sử dụng chủ yếu là tông màu trầm nhưng được kết hợp một cách tinh tế với các hình vẽ xinh xắn. Nhìn bìa sách, mình không nghĩ rằng đây lại là một câu chuyện đau lòng đến thế.
Đánh giá: 9/10

3 bình luận về “\BOOK REVIEW/: HÃY CHĂM SÓC MẸ (PLEASE LOOK AFTER MOM) – SHIN KYUNG SOOK”