Trước giờ mình chưa từng nghĩ, có ngày mình lại yêu thích và cất công tìm hiểu mọi thứ về đất nước Nhật Bản như lúc này.
Ngày trước, khi chỉ mới biết về “cosplay”, mình thấy không có “cảm tình” lắm với văn hóa Nhật Bản. Mình nghĩ rằng họ thật “khác người”. Nhưng sau chuyến du lịch Nhật Bản hồi năm 2018, mọi thứ dường như thay đổi. Mình được tận mắt nhìn ngắm các thành phố xinh đẹp như Osaka, cố đô Kyoto, thủ đô Tokyo, trải nghiệm những hoạt động thú vị tại Hakone, Fuefuki,..và từ đó mình nhận ra đất nước này thật đáng ngưỡng mộ biết bao!
Mình bắt đầu với cuốn “Khuyến học” của Fukuzawa Yukichi và cảm thấy rất khâm phục tinh thần của người dân Nhật Bản. Sau đó, càng ngày mình lại muốn tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa và người dân nơi đây. Cuốn “Japonisme – Những điều rất Nhật Bản” vừa hay giới thiệu phong cách sống mà mình muốn học hỏi. Và nếu bạn cũng có hứng thú với văn hóa Nhật như mình, hãy đọc hết bài review này nhé.
Trong cuốn sách, tác giả có nói rất chi tiết về phong cách sống:
- Ikigai: Mục đích sống
- Wabi-sabi: Vẻ đẹp ở những điều không hoàn hảo và sự vô thường
- Kintsugi: Tìm kiếm vẻ đẹp từ những điều không trọn vẹn
hay một số văn hóa:
- Shinrin-Youku: Tắm rừng
- Ikebana: Nghệ thuật cắm hoa
- Onsen: Tắm suối nước nóng
- Ocha: Trà đạo Nhật Bản
- Calligraphy: Thư pháp và thủy mặc
Có thể thấy, Nhật Bản là một đất nước có rất nhiều nét văn hóa đặc trưng và các loại hình nghệ thuật nổi tiếng. Và hầu hết những văn hóa đó đều đem lại những giá trị cao về mặt tinh thần, đi sâu vào bản ngã, nhìn vào tâm thức, làm đẹp tâm hồn của con người. Như việc “tắm rừng” sẽ giúp bạn được sống hòa mình vào thiên nhiên; chữa lành những tổn thương; để mặc bạn đắm mình trong không khí tươi mát, trong lành của rừng cây; cho bạn được ngắm nhìn “komorebi” – thứ ánh sáng của những tia nắng mặt trời được chiếu xuyên lá cây; và dẫn dắt bạn “đến một nơi nào đó trong tâm trí”. Hay nghệ thuật “trà đạo” (sado) Nhật bản, bạn sẽ phải thực hành theo đúng những quy tắc của bộ môn này. Ví dụ như cần có một bộ dụng cụ pha trà thích hợp, trang bị phòng thưởng trà và thiết kế bối cảnh trong phòng, quy định về trang phục cho khách mời,..Tuy có vẻ hơi nhiều “nguyên tắc” cần tuân theo nhưng bù lại, việc thực hành trà đạo đúng và đầy đủ các bước sẽ giúp bạn được thả lỏng, tĩnh tâm, thư giãn và có thể nhìn mọi thứ được thông suốt và rõ ràng hơn.
Ngoài ra thì mình khá ấn tượng với Nghệ thuật viết thư pháp và vẽ tranh thủy mặc của người Nhật. Họ coi việc viết Thư pháp giống như một nghi lễ, phải sử dụng đúng và đủ loại dụng cụ như giấy washi, chặn giấy (bunchin), miếng lót bên dưới giấy washi (shitajiki), con dấu (indei),..và mỗi tờ giấy, mỗi nét vẽ đều không được mắc sai lầm (trong shodo – đạo của thư pháp). Còn với tranh Thủy mặc đơn sắc, mình vẫn đang trầm trồ về sức sáng tạo không-giới-hạn của con người. Sao họ có thể vẽ ra được một bức tranh đầy ý nghĩa chỉ bằng những nét đậm-nhạt của bút lông nhỉ?
Thật là càng đọc thì lại càng muốn tìm hiểu thêm thật nhiều về các loại hình nghệ thuật cũng như văn hóa Nhật Bản nói chung. Mình thấy chúng khá là thú vị, khác biệt và quan trọng là đem đến sự thức tỉnh trong tâm trí. Kiểu càng tập trung thực hành những cái đó, thì đầu óc càng sáng tỏ vậy. Nó gần giống như một dạng “thiền”. Nhưng thay vì chỉ ngồi im và tập trung vào hơi thở theo phương pháp “truyền thống” thì chúng ta có thể vừa sáng tạo, vừa thưởng thức những cái đẹp lại vừa có thể tĩnh tâm và cảm nhận sự yên bình, sâu lắng.
Mình dần nhận ra văn hóa Nhật Bản đọng lại ít nhiều trong đầu mình từ các cuốn truyện tranh như “Asari – Cô bé tinh nghịch”, “Thám tử lừng danh Conan”, “Doraemon” hay “Nhóc Maruko”. Do vậy, cứ nhắc đến bất kỳ một tập tục nào ở Nhật, mình đều cảm thấy khá quen thuộc. Ấy vậy mà đến tận bây giờ mình mới có cơ duyên để tìm hiểu. Nhưng để thực hành được một trong các loại hình nghệ thuật kể trên, còn cần phải có thêm nhiều kiến thức hơn nữa. Cả phong cách sống “wabi-sabi” hay “kintsugi”, có lẽ mình vẫn cần phải đọc và học hỏi thêm ở những cuốn sách khác. Hãy đón chờ các bài review khác của mình về chủ đề này nhé!
Bìa sách có màu vàng chủ đạo và hình ảnh “phía sau một cô gái” với phong cách thời trang rất “Nhật Bản”. Trong sách cũng có nhiều bức ảnh và hình vẽ minh họa xinh xắn. Nói chung là mình rất thích đọc sách mà có nhiều tranh ảnh để ngắm như này á ^^.
Đánh giá: 8/10

2 bình luận về “\BOOK REVIEW/: JAPONISME – NHỮNG ĐIỀU RẤT NHẬT BẢN (JAPONISME: IKIGAI, FOREST BATHING, WABISABI AND MORE) – ERIN NIIMI LONGHURST”