Một trong những danh họa mà mình cực kỳ ấn tượng sau Leonardo Da Vinci đó là Claude Monet. Ông là một trong những người sáng lập ra trường phái hội họa Ấn Tượng và cũng là họa sỹ tiêu biểu đại diện cho trường phái này.

Cũng giống như cuốn Đây là Leonardo Da Vinci, Đây là Monet kể về cuộc đời danh họa Claude Monet và các bức họa kinh điển của ông theo trình tự thời gian. Cuốn sách sẽ diễn giải những chi tiết, sự kiện, dấu mốc quan trọng có ảnh hưởng đến tranh của Monet cũng như dần hình thành nên trường phái Ấn Tượng sau này.
Claude Monet cơ bản vẽ tranh sơn dầu, chủ yếu là tranh phong cảnh. Ông không thích những lối vẽ theo quy tắc hoặc bị giới hạn bởi những luật lệ. Vì vậy, tranh của ông thường có nét riêng và vô cùng độc đáo, không bắt chước ai và cũng khiến người khác khó mà bắt chước theo được. Do đi theo một con đường riêng biệt và có những suy nghĩ vượt thời đại, nên Claude Monet phải chật vật rất lâu – tới tận trung niên mới nổi tiếng và được ái mộ. Còn trước đó, các tác phẩm của ông thường bị chê, gây nhiều tranh cãi và thường xuyên bị Triển lãm Paris từ chối.
Monet thường triển lãm tranh theo chủ đề. Mỗi chủ đề, ông thường sẽ vẽ một loạt các bức khác nhau về ánh sáng, màu sắc, góc nhìn,…dựa trên việc màu sắc và ánh sáng tác động lên cảnh vật sẽ đổi hướng trong 1 ngày và bị thay đổi sắc độ theo mùa. Một số triển lãm nổi bật của Monet đó là:
- Đề tài Cây dương (24 bức) năm1891
- Đề tài Hoa súng (48 bức) năm 1909
- Đề tài Nhà thờ chính tòa Rouen (hơn 30 bức) năm 1892 – 1894
- Đề tài Hoa súng (8 bức lớn) năm 1916
Mỗi bức tranh được hoàn thành, là thành quả miệt mài của rất nhiều ngày quan sát. Claude Monet hầu như vẽ tranh phong cảnh, nên cảm hứng của ông phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và điều kiện tự nhiên. Ông cũng thường than phiền và bực bội vì thời tiết khi mưa quá hay nắng quá. Bởi thời tiết không giống hôm trước cũng sẽ ảnh hưởng đến màu sắc, ánh sáng, không khí hay cảm nhận mà ông đã vẽ trước đó. Ví dụ như lần ông thực hiện vẽ hàng cây dương dọc con sông cạnh điền trang ở Giverny, khi mới vẽ được môt nửa thì nghe tin người ta sẽ chặt hết cây dương để khai thác. Vậy là Monet đã bỏ tiền ra đấu giá mua lại hàng cây này, cốt để hoàn thành các bức tranh còn lại. Hay lần vẽ bức “Vòm Manneporte”, Monet đã tới tận bờ biển Normandy để cố gắng nắm bắt được khoảng khắc ấn tượng nhất. Và trong một lần ngồi vẽ tại đây, ông đã bị sóng đánh vào vách đá, toàn bộ họa cụ trôi xuống biển.
Khi đọc và theo dõi quá trình hình thành nên phong cách vẽ của Monet, mình cảm thấy cực kỳ ấn tượng vởi các tác phẩm của ông. Mỗi bức tranh được mở ra sẽ đem đến một sự ngỡ ngàng và trầm trồ dành cho người xem. Mình đặc biệt thích bức “Phụ nữ trong vườn” (1866) khi Monet vẫn đang theo đuổi tranh phong cảnh với chủ đề mà chẳng mấy ai vẽ; bức “Khu vườn họa sỹ ở Vestheuil” (1880) thể hiện sự tài tình trong cách dùng màu để lột tả được cường độ ánh nắng chiếu trong vườn, chứng tỏ Monet cũng đã dành ra rất nhiều ngày nắng để quan sát; bức “Ao hoa súng” (1899) và bức “Hoa súng” (1903) thể hiện sự phản chiếu trên nước, nguyên sơ và tự nhiên như những bức ảnh chụp vậy.
Còn rất nhiều điều hay ho mà mình nghĩ bạn đọc nên tự khám phá cùng cuốn Đây là Monet. Mình cảm thấy rất mãn nguyện vì list sách năm nay của mình đã được bổ sung thêm 1 đầu sách về nghệ thuật thú vị như này.
Bìa sách đơn giản với bức họa về Monet. Chất liệu bìa cứng, giấy bên trong cũng khá dày dặn và đẹp. Tóm lại là mình thấy cuốn sách rất xứng đáng để bạn bỏ thời gian ra nhâm nhi và nghiên cứu.
Đánh giá: 9/10

1 bình luận về “\BOOK REVIEW/: ĐÂY LÀ MONET (THIS IS MONET) – SARA PAPPWORTH”