Marc Levy luôn biết cách đem đến cho độc giả đầy bất ngờ từ những điều vốn rất bình thường – như câu chuyện về tòa nhà số 12, Đại lộ Năm, New York trong cuốn tiểu thuyết Cô gái như em.
Ở tòa nhà số 12 này có 9 tầng nhà, trung bình mỗi tầng có 1 căn hộ sinh sống. Tòa nhà sẽ không khác biệt so với các tòa nhà khác ở New York, ngoại trừ chiếc thang máy cũ kỹ cần người vận hành thủ công. Deepak – người làm nghề điều khiển thang máy thủ công 39 năm nay – luôn tự hào với công việc của mình. Không đơn thuần chỉ là người điều khiển thang máy, Deepak còn gắn bó với tòa nhà số 12 như là một phần không thể thiếu, cũng như không thể thiếu trong cả nếp sống của cư dân.
Mọi chuyện sẽ chẳng có gì cho đến khi người gác thang máy ca đêm Rivera bị ngã nhập viện. Cháu trai của Deepak – tên Sanji đến từ Ấn Độ sẽ tạm thời thay thế. Nhưng không một ai trong tòa nhà thực sự biết rõ về anh ta – kể cả người chú Deepak. Và Chúa mới biết chuyện gì có thể xảy ra, là chuyện tồi tệ hay tốt đẹp? Biết đâu đó, sẽ là những cuộc gặp gỡ định mệnh?
Cuốn sách bắt đầu với những câu chuyện thường nhật diễn ra trong tòa nhà số 12, rồi phát triển khi các nhân vật dần xuất hiện và có các mối gặp gỡ. Bạn sẽ có cảm giác như đang xem một bộ phim với các cảnh quay chuyển tiếp nhau mà không bị mất liên kết. Ngược lại, bộ phim sẽ rất mượt mà từ đầu đến cuối với những mẩu truyện, tình tiết dần hé lộ để người xem hiểu ra bức tranh toàn cảnh.
Tuy viết về những câu chuyện trong cuộc sống, nhưng Marc Levy cũng khéo léo đan xen tình cảm gia đình, vấn nạn phân biệt chủng tộc/màu da, thực trạng xã hội,…qua trang sách. Tình yêu là khía cạnh mà có lẽ ta thấy nhiều nhất trong cuốn tiểu thuyết này. Nhưng thay vì chỉ tập trung vào mối tình cổ tích của đôi trẻ, tác giả còn mang đến những chuyện tình không kém lãng mạn của những cặp đôi trung niên như Deepak và người vợ Lali. Họ cũng đã có một mối tình đẹp đẽ ngày trẻ và thậm chí cho tới tận bây giờ, nó vẫn chẳng vì thời gian mà phai nhạt.
Điều mình thấy thích thú trong Cô gái như em đó là tác giả không mô tả hay nhấn mạnh quá nhiều vào diễn biến cũng như tiến trình nảy nở tình yêu của một cặp đôi nào đó. Nhưng mình lại cảm nhận rõ cảm xúc, tâm trạng và tình cảm của các nhân vật. Hóa ra đôi khi tình yêu cũng rất đơn giản, không cần phô trương, không cần dùng những từ ngữ hoa mỹ, không cần nói hay thể hiện quá nhiều.
Mình đã phải mất 2 năm trời mới cầm cuốn sách lên và đọc. Không hiểu tại sao mình lại không có hứng thú đọc khi mà đã có cuốn sách trong tay. Mình thậm chí còn đem cuốn sách đi khắp nơi mà chưa từng mở ra đọc lần nào. Và giờ thì mình đã rất bất ngờ vì nội dung sách hay ngoài sức tưởng tượng. Và Marc Levy lại một lần nữa chinh phục được mình. Mình cứ ngỡ đã chán sách của Marc Levy rồi cơ đấy!
Mình cứ nghĩ sẽ viết được rất nhiều khi review cuốn này, nhưng thực tế thì mình đã mất rất lâu và thậm chí, chẳng-biết-phải-viết-gì. Khách quan mà nói, nội dung hay lối viết, kết cấu truyện hay văn phong đều rất bình thường, dễ hiểu, dễ đọc. Cốt truyện cũng không phải quá đặc sắc. Nhưng cái thú vị là tất cả những sự bình thường ấy lại làm nên một cuốn sách thật đặc biệt, đặc biệt theo cách của riêng nó. Kiểu không quá ấn tượng, nhưng lại khó phai.
Mình sẽ để mọi người tự tìm và tự cảm nhận cái điều-bình-thường-đặc-biệt ấy ở cuốn sách nhé 😉
Bìa sách xinh xắn với bức ảnh một tòa nhà nào đó được chụp dưới nắng.
Đánh giá: 8/10

3 bình luận về “\BOOK REVIEW/: CÔ GÁI NHƯ EM (UNE FILLE COMME ELLE) – MARC LEVY”