“Khuyến học” là cuốn sách mình được anh hướng dẫn viên giới thiệu trong chuyến du lịch Nhật Bản cuối tháng 6 vừa rồi. Bản thân mình chưa bao giờ nghĩ tới việc sẽ đọc sách thuộc thể loại nghị luận xã hội như thế này. Nhưng có đọc mình mới hiểu tại sao cuốn sách này được in đến 3,4 triệu bản tại Nhật và được anh hướng dẫn viên nhấn mạnh nhiều lần rằng đây là sách mà tất cả người trẻ nên đọc.
“Khuyến học” gồm 17 phần, chủ yếu nói về vấn đề học vấn của người dân Nhật Bản. Cuốn sách này được viết ra nhằm kêu gọi người dân Nhật Bản thời vua Minh Trị hãy quan tâm và chú ý đến học thức, vận động tất cả mọi người đi học. Tác giả cho hay, “Trời không tạo ra người đứng trên người”, “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, nếu có khác biệt là do học vấn”, người dân Nhật Bản nên “học những môn thực dụng cho cuộc sống hàng ngày”, học hỏi và tiếp thu có chọn lọc văn hóa phương Tây, có trách nhiệm với đất nước, tôn trọng luật pháp,…Không chỉ vì cho bản thân quần chúng nhân dân có một cuộc sống tốt đẹp mà còn phát triển đất nước Nhật sánh ngang với các quốc gia châu Âu-Mỹ, có như vậy mới giữ gìn hòa bình và xã hội ổn định cho toàn thể người dân và quốc gia Nhật Bản. Tuy những câu chữ, lời văn nhẹ nhàng, súc tích nhưng cũng rất mạnh mẽ, dứt khoát thể hiện thái độ quyết liệt của tác giả đối với vấn đề học vấn của người Nhật và vận mệnh của đất nước.
Cuốn sách này đã trở thành thứ mà bất kỳ người dân Nhật Bản nào cũng phải có. Chính nó đã thay đổi suy nghĩ, nhận thức của người Nhật thời bấy giờ, cải cách các lề thói, phong tục tập quán phong kiến Mạc phủ xưa cũ, giúp họ từng bước phát triển mạnh mẽ và vượt trội hơn so với nhiều quốc gia châu Á khác. Công cuộc cải cách Minh Trị cùng với tinh thần bất khuất của người dân xứ sở phù tang đã làm nên một đất nước Nhật Bản phồn thịnh, văn minh, hiện đại, ngang hàng các cường quốc khác trên thế giới như ngày nay.
Người đóng góp công lao lớn nhất trong nền giáo dục của Nhật Bản chính là Fukuzawa Yukichi, cũng chính là tác giả cuốn “Khuyến học” này. Ông xuất thân từ Nho học, nhưng lại sớm nhận biết được tư tưởng tiến bộ của các nước phương Tây. Từ đó, ông bắt tay vào học tiếng Hà Lan, rồi tiếng Anh. Sau đó, ông có cơ hội đặt chân đến Mỹ, một số nước châu Âu khác và tiếp cận với văn hóa, sự phát triển của họ. Về nước, ông đã tham mưu cho vua Minh Trị việc kêu gọi tất cả người dân Nhật Bản phải đi học, bản thân ông cũng thành lập trường đại học Keio để giảng chữ, viết sách để truyền học thức, tư tưởng tới mọi người. Những cuốn sách và tư tưởng của ông không chỉ mới mẻ và cấp tiến so với thời đó mà còn cho tới tận bây giờ, nó vẫn rất tiến bộ và đúng đắn. Vì lẽ đó, hình ảnh của ông ngày nay được in trên tờ tiền có mệnh giá cao nhất của Nhật Bản – tờ 10,000 yên (1 man Nhật).
Thực sự mà nói, nếu chưa tận mắt chứng kiến thì có lẽ mình cũng mãi chỉ biết rằng đất nước Nhật phát triển như thế này, như thế kia chứ không biết chính xác là như thế nào. Chuyến du lịch Nhật Bản vừa qua đã cho mình một cái nhìn mới mẻ về Nhật Bản, rằng họ thực sự rất rất phát triển, đời sống xã hội cao, dịch vụ siêu tuyệt vời. Ngoài ra, con người ở đất nước họ rất được tôn trọng nhân quyền, chế độ phúc lợi tốt, chất lượng cuộc sống cao hơn bên mình rất nhiều. Mình ở nhà cứ nghĩ sống thế này là ổn rồi, ra nước ngoài mới biết rằng còn chưa bằng 1/10 người ta. Tất nhiên xã hội nào cũng có 2 mặt, dù vậy mình cũng không thể phủ nhận sự hiện đại và văn minh nơi đất nước Nhật Bản. Cho nên, mình mong người trẻ hãy thử một lần đọc cuốn sách “Khuyến học” này, đúc kết bài học cho bản thân, biết đâu có một ngày, Việt Nam chúng ta cũng phát triển được như đất nước Nhật Bản thì sao.
Bìa sách bên ngoài không có được bắt mắt lắm, đơn giản với hình núi Phú Sĩ – biểu tượng của đất nước Nhật Bản. Vì vậy mình đã tháo bìa ngoài ra để chụp ảnh. Nếu không có ý tưởng vẽ bìa nào hay ho, cứ đen – trắng đơn giản vẫn ok nhất ^^
Đánh giá: 9/10

2 bình luận về “\BOOK REVIEW/: KHUYẾN HỌC – FUKUZAWA YUKICHI”