Tây Tạng là đất nước nằm ở khu vực cao nguyên, có địa hình và khí hậu khắc nghiệt, hiểm trở. Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng với tư tưởng sâu sắc của Phật Giáo và những điều huyền bí không thể lý giải được. Là một đứa tò mò và luôn bị hấp dẫn với những thứ bí ẩn nên khi đọc được phần giới thiệu về cuốn “Huyền thuật và các Đạo sĩ Tây Tạng” của Alexandra David –Neel mình lại càng mong muốn được tìm hiểu sâu hơn nữa. Bài review dưới đây sẽ cho bạn một cái nhìn mới mẻ và rõ hơn về vùng đất đặc biệt này.
Tác giả Alexandra David –Neel là người phụ nữ da trắng đầu tiên du hành khắp Tây Tạng. Là học giả Phật học, bà đã dành hơn 12 năm tại đất nước này để trải nghiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng về những sự kiện huyền bí, lạ lùng mà chưa có hay xảy ra tại bất kỳ một nơi nào trên thế giới. Cuốn sách kể về hành trình của tác giả khi đi khám phá từ Ấn Độ cho tới Tây Tạng. Bà đã có cơ hội gặp gỡ các vị Lạt Ma, tu sĩ, đạo sĩ – những người có năng lực và biết các phương pháp huyền thuật, phép thuật cao siêu. Bà cũng tập tu hành tại một hang núi lạnh lẽo và hẻo lánh theo lời chỉ dạy của một vị Lạt Ma suốt 3 năm trời. Ngoài ra, với mỗi miền tác giả đặt chân đến, bà cũng được tiếp xúc và chứng kiến những điều lạ lùng, hiện tượng siêu nhiên mà các nhà khoa học phương Tây không lý giải nổi. Các bộ môn huyền thuật tại Tây Tạng cũng là thứ đã hấp dẫn tác giả và khiến bà kéo dài thời gian ở đây lâu hơn rất nhiều so với ý định ban đầu. Bạn sẽ không thể tin nổi những điều mà tác giả đã chứng kiến và kể lại trong cuốn sách, bởi chính mình khi đọc cũng bán tin bán nghi. Ví dụ như:
-Phương pháp khinh công: người luyện khinh công có thể đi rất nhanh , chạy một lúc cả trăm cây số mà không cần nghỉ ngơi hay ăn uống. Họ chủ yếu luyện bằng các câu chú và điều khiển cơ thể bởi đầu óc, tâm trí chứ không phải luyện cơ bắp chân tay.
-Lửa tam muội: người luyện được phương pháp này có thể chịu được cái lạnh của băng, tuyết mà không cần mặc áo ấm, thậm chí không cần mặc gì. Họ sẽ niệm các câu chú và dùng tâm trí để khiến cơ thể nóng lên, nóng như lửa có thể làm tan lớp băng, khô quần áo ướt, sưởi ấm cơ thể.
-“Tha tâm thông” hay được gọi là “Phép chuyển di suy nghĩ”: phương pháp này cho phép người luyện được nó có thể đọc suy nghĩ của người khác, và truyền tin hoặc nhận tin từ người khác chỉ bằng tâm trí. Người luyện không chỉ có thể giao tiếp với nhau bằng suy nghĩ mà còn bằng linh ảnh.
…
Thực sự còn rất nhiều điều lạ lùng và khó thể tin được khi bạn đọc cuốn sách này. Tác giả còn cho biết, người dân Tây Tạng tin vào ma quỷ, yêu quái, địa ngục, kiếp luân hồi, phép thuật thần thông,.. và người Tây Tạng cho rằng những hiện tượng kỳ bí đó là hiện tượng tự nhiên, là điều hết sức bình thường, đúng với quy luật tự nhiên. Vậy nên những vị đạo sĩ nắm được huyền thuật như kêu mưa gọi gió, chiêu quỷ nhập thần, sai khiến âm binh,…rất được mến mộ ở đây. Khi đọc thì mình thấy phong tục, văn hóa ở Tây Tạng có khá nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Ví như tục làm đám ma, lên đồng, lập đàn,…
Ngoài những điều liên quan đến Phật Giáo thì bạn cũng có thể tìm hiểu được đôi chút văn hóa xứ Tây Tạng. Như là: các vị Lạt Ma đã từng được phép lập gia đình trước phong trào chấn hưng Phật Giáo của đại sư Tsong Khapa. Miền Tranglung ở Tây Tạng theo chế độ mẫu hệ, người đàn bà làm chủ gia đình và có quyền lấy nhiều chồng một lúc,…
Mình cũng có đọc về Phật Giáo qua một vài cuốn sách như Bước chậm lại giữa thế gian vội vã – Haemin, Giận – Thích Nhất Hạnh, Dám bị ghét – Kishimi Ichiro & Koga Fumitake nhưng cảm thấy Phật Giáo Tây Tạng đặc biệt hơn và có nhiều phương pháp học thuật thâm sâu hơn. Càng đọc bạn sẽ càng thấy hấp dẫn bởi những thứ khó có thể tin kia và sẽ bị cuốn bởi chúng. Mình đã được “khai sáng” rất nhiều khi đọc về những kiến thức mới mẻ này. Mình chỉ biết về Tây Tạng đúng theo vài chữ “Tây Tạng là một vùng tự trị của Trung Quốc” mà không biết thêm gì hơn. Địa hình như nào, dân trí ra sao, văn hóa, phong tục đặc sắc đến đâu. Sau khi đọc xong chỉ cảm thấy bản thân quá “mù tịt” về Trái Đất mà mình đang cư ngụ và kiến thức của mình thì quá hạn hẹp. Giống như một vị tu sĩ trong sách có nói rằng: “Càng học hỏi thì người ta sẽ càng thấy mình không biết gì hết”.
Lối hành văn dễ hiểu, lối kể chi tiết, rành mạch, từ ngữ gần gũi của tác giả sẽ giúp người đọc có thể tiếp cận dễ dàng các khái niệm Phật Giáo, tu hành, thiền định cùng các phương pháp huyền thuật. Mình thấy “Huyền thuật và các Đạo sĩ Tây Tạng” là một cuốn sách rất đáng để nghiền ngẫm và học hỏi. Chủ đề này chưa bao giờ nằm trong “Top My Favourite” của mình nhưng cuốn sách đã đem đến một niềm thôi thúc mãnh liệt khiến mình muốn tìm hiểu thêm và sâu hơn nữa về những kiến thức vượt ngoài phạm vi hiểu biết cũng như lãnh thổ nơi mình sinh sống.
Bìa sách ở bên ngoài đẹp hơn mình nghĩ. Hình ảnh được in sắc nét, một số chi tiết hoa văn trên bìa được in nổi. Cảm giác cuốn sách được làm ra rất có tâm từ nội dung tới trang bìa.
Đánh giá: 9.5/10

4 bình luận về “\BOOK REVIEW/: HUYỀN THUẬT VÀ CÁC ĐẠO SĨ TÂY TẠNG (MYSTIQUES ET MAGICIENS DU TIBET) – ALEXANDRA DAVID-NEEL”