GU ĐỌC SÁCH CỦA MÌNH ĐÃ THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO

Đối với một đứa ham mê tiểu thuyết ngôn tình như mình, chưa bao giờ nghĩ rằng có một ngày mình sẽ thẩm thấu được văn học kinh điển, thậm chí là tác phẩm đạt giải Nobel văn học.

//2004 – 2008\\ Tiếp xúc với việc Đọc: Đọc tất cả mọi thứ

Mình bắt đầu đọc sách từ năm 2004 với cuốn Totto-chan ngồi bên cửa sổ của tác giả Tetsuko Kuroyanagi và Túp lều của bác Tom của nhà văn Harriet Beecher Stowe. Ngày đó mình vẫn đang học tiểu học, Internet hay Thư viện, nhà sách đều không phổ biến ở nơi mình sống, nên trong nhà mình có cuốn gì thì mình đọc cuốn đó. Thậm chí mình còn đọc đi đọc lại rất nhiều lần cuốn truyện cổ Trung Hoa cũ rích mà mình tìm được trong kho chứa đồ bởi mình đã hết thứ để đọc. Thời ấy đơn giản chỉ là mình cần thứ gì đó để giải trí lúc rảnh rang, vừa vặn lại va phải mấy cuốn sách đã gây ấn tượng sâu sắc cho mình đến tận bây giờ.

//2009 – 2013\\ Hình thành nên sở thích Đọc: Đam mê truyện ngôn tình

Bẵng đi một thời gian cho tới khi mình học cấp 2, cụ thể là mùa hè năm lớp 9 khi mình đến chơi nhà người chị họ. Mình đã tìm thấy vài cuốn truyện ngôn tình Trung Quốc đặc biệt hay ho. Chỉ vỏn vẹn trong 1 tuần mà mình đã ngấu nghiến hết số sách. Từ đó, mình đã theo đuổi con đường “tiểu thuyết ngôn lù” với những bộ truyện của tác giả nổi tiếng như Minh Hiểu Khê, Cố Mạn, Diệp Lạc Vô Tâm,… Thậm chí mình còn tìm lại cả các tác phẩm của Quỳnh Dao nữa.

Việc đọc hết cuốn ngôn tình này đến cuốn ngôn tình khác đã vô thức hình thành nên sở thích đọc mà mình không hay. Không chỉ mỗi truyện ngôn tình, mình còn đọc cả báo, tạp chí giấy và online. Tới mức, mình còn đọc trước hết cả các trích đoạn tác phẩm trong sách Ngữ Văn lớp 10.

Lên cấp 3 cũng không thay đổi gì nhiều. Mặc dù việc học hành bận hơn nhưng cũng không thể cản trở việc mình đến với các soái ca trong ngôn tình được =))). Mỗi ngày, mình đều cố gắng hoàn thành nhanh chóng bài tập để dành thời gian tiếp tục đọc sách. Điều đáng nói là mình bắt đầu được tiếp xúc với tác phẩm của Dan Brown. Và một lần nữa, những cuốn sách này đã tác động mạnh mẽ tới gu đọc và lối sống của mình sau này.

Đối với mình, sách không bao giờ là đủ!

//2014 – 2019\\ Hình thành thói quen đọc: Mở rộng các thể loại đọc hơn như lifestyle, self-help, kinh tế,…

Bắt đầu vào Đại học, mình chuyển hướng sang đọc ngôn tình Âu – Mỹ bởi đã “phát ngấy” với các mô típ quen thuộc của ngôn tình Trung Quốc. Ngôn tình Âu – Mỹ khác biệt hơn ở chỗ mình cảm thấy nó rất thực tế và ít nhất nó sẽ cung cấp cho mình chút ít kiến thức mới về ngành nghề/lĩnh vực (dù không chuyên sâu). Đôi khi mình còn học thêm được nhiều từ/cụm từ Tiếng Anh hay ho nhờ phần chú thích bên dưới mỗi trang nữa. Mình không chỉ đọc tác phẩm “thuần” ngôn lù (ý mình là kiểu sách chỉ có yêu đương sến sẩm không cần dùng não để đọc í), mà còn đọc cả những cuốn pha trộn yếu tố trinh thám gay cấn và hấp dẫn (cần dùng chút não). Ngoài ra thì mình có đọc thêm một số tản văn Việt Nam, truyện của Nguyễn Nhật Ánh, văn học Nhật, sách của Patrick Modiano, sách thường thức, sách của tác giả đạt giải Nobel (Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez)….Nhưng vì một lẽ nào đó, mình cảm thấy vẫn không thỏa mãn.

Mình thử tìm đến các thể loại sách mới như lifestyle (Lagom của Linnea Dunne, Hygge của Marie Tourell Soderberg) & self-help để định hình bản thân. Mình muốn tìm hiểu xem rốt cuộc mình thích điều gì, đọc gì để không cảm thấy chán. Rồi khi càng đọc nhiều, mình lại càng muốn đọc hơn nữa. Càng có cái suy nghĩ bản thân vẫn còn quá thiếu hiểu biết và cần phải học hỏi nhiều hơn. Lúc này, thói quen đọc đã dần được hình thành qua những lần mua sách – đọc sách – mua sách liên tục và không ngừng nghỉ.

Thời điểm này, mình đã bắt gặp Bước chậm lại giữa thế gian vội vã của Đại Đức Hae Min và Dám bị ghét của Kishimi Ichiro & Koga Fumitake – 2 cuốn sách đã khơi nguồn cho sự tỉnh thức của bản thân mình.

Đọc cuốn này rồi lại muốn đọc thêm những cuốn khác, như một vòng lặp không thể chấm dứt

//2020 – Hiện tại\\ Hình thành gu sách riêng: Có giới hạn & Không có giới hạn

Có giới hạn

Chính vì mong muốn cần-phải-học-hỏi-nhiều-hơn, nên mình đã đọc thêm:

  • Sách về kinh tế, marketing & branding (để phục vụ công việc): mình đang tìm hiểu các đầu sách của 1980 Books vì thấy có nhiều cuốn phù hợp & mới lạ, lại còn đang giảm giá nữa 😀
  • Sách kiến thức về nấu nướng, thời trang, văn hóa, nghệ thuật, lifestyle, du lịch (vì sở thích)
  • Sách xã hội: về con người, vấn đề ô nhiễm môi trường

Đây là gu sách mà mình đã có được sau cả chục năm đọc & nghiền ngẫm. Tuy mình không chắc mình sẽ theo đuổi được bao lâu, nhưng hiện tại, mỗi năm mình đều mua và đọc các thể loại này. Mặc dù mình vẫn đang trên hành trình tìm kiếm những điều mới, những cuốn sách mới nhưng về cơ bản, đây là những thể loại sách mình cho là lúc nào mình cũng cần học hỏi và cập nhật.

Không giới hạn

2 năm vừa rồi, khi mà có cơ hội đọc các tác phẩm văn học trẻ em (Khu vườn bí mật của Frances Hodgson Burnett, Trong gia đình của Hector Malot, A Christmas Carol của Charles Dickens) mình đã cảm thấy rất bất ngờ. Mình không nghĩ rằng, mình vẫn còn cảm thấy hứng thú và yêu thích văn học trẻ em đến vậy khi mà mình đã ở tuổi trưởng thành. Hóa ra là, truyện trẻ em cũng dành để nuôi dưỡng tâm hồn cho người lớn. Cho nên, văn học thiếu nhi cũng sẽ là thể loại mà mình bổ sung vào list đọc từ bây giờ.

Văn học Hàn Quốc cũng khiến mình rất ấn tượng với tác phẩm Hạnh nhân của Sohn Won – Pyung & Hãy chăm sóc mẹ của Shin Kyung Sook. Mình hứa là sau này sẽ để ý hơn đến các cuốn sách văn học ở xứ sở Kim chi ngoài âm nhạc và phim ảnh.

Có một thứ “xa tận chân trời gần ngay trước mắt” mà mình đã vô tình bỏ qua, các bạn có biết là gì không? Chính là văn học Việt Nam! Tại sao tôi lại có thể bỏ quên văn học nước nhà cơ chứ!!!! Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Kim Lân, Nguyên Hồng,….toàn những cái tên kinh điển. (Nhưng có lẽ mình sẽ không đọc tác phẩm của Nguyên Hồng nữa bởi mình quá ám ảnh với cuốn “Bỉ vỏ” đã đọc trước đó).

Ngoài ra thì mình cũng bắt đầu hứng thú với các tác phẩm văn học kinh điển của nhân loại – những cuốn mà người đời vẫn ca tụng hàng thế kỷ. Tuy nhiên thì mình cũng không quá đặt nặng việc đọc của bản thân, nên cứ để các cuốn sách từ từ, chậm chậm đến với mình thôi.

Sách nhiều khi cũng giống như người, đến thời điểm rồi sẽ gặp :D.

Những cuốn sách về thời trang luôn khiến mình hứng thú ^^
Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.